Như Thanh Niên đã đưa tin, trưa 28.1, chị Bảo Trân (tên thật là Lý Thị Nhanh, 25 tuổi, quê Long An) đến Ngân hàng Agribank trên đường Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM) để rút tiền.
Theo biên lai chứng từ giao dịch, số tiền chị rút ra là 30 triệu đồng, mệnh giá mỗi tờ tiền 500.000 đồng, tiền được cột dây thun thành 1 cọc để trong túi áo. Sau đó, chị Trân di chuyển bằng xe ôm từ ngân hàng đến Q.7 để trả nợ.
Khi đang đi qua đoạn đường D4 (P.Tân Hưng, Q.7) thì tiền rơi xuống đường nhưng chị không hề hay biết. Đi thêm một đoạn, được người đi đường nhắc nhở, chị Trân mới phát hiện mình đánh rơi tiền và quay lại nhưng lúc này tiền đã bị “lượm” hết sạch.
Đoạn video clip về vụ “lượm tiền” trên lan truyền trên mạng xã hội được chị Bảo Trân xin một nhà dân gần nơi xảy ra sự việc, từ camera an ninh. Đoạn clip này đã cho thấy một sự thật rất đáng xấu hổ: 6 người đã “hôi của” 30 triệu đồng chỉ trong 15 giây. Vụ việc đã gây bức xúc dư luận. Chủ tịch UBND Q.7 chỉ đạo công an xử lý vụ việc này; Công an P.Tân Hưng (Q.7) đang truy xét những người liên quan vụ “hôi của” này...
Quá xấu hổ
Nhiều bạn đọc (BĐ) đã sững sờ trước việc “lượm tiền” nhanh như chớp và bức xúc trước hành động “hôi của” của 6 người nhặt tiền rơi. BĐ an***@gmail.com chia sẻ: “Mình xem video clip thôi mà cũng cảm thấy thật xấu hổ”. BĐ Thành Đinh than: “Ôi chao, giờ thì người lớn cũng phải học tính trung thực, thật thà, dũng cảm của 5 cháu bé nhặt của rơi biết tìm người trả lại. Bài học này từ thời xưa lứa tuổi nào cũng được học”.
Bên cạnh đó, một số BĐ cho rằng: “Thấy tiền rơi, lượm là bình thường. Có ai thấy tiền rơi mà không lượm”. Đáp lại, BĐ Trung Duong cho biết: “Nếu có tôi ở đó, tôi cũng lượm rất nhanh để được nhiều tiền, nhưng tôi sẽ đưa lại cho cô gái”. BĐ Viên Ngọc cũng khẳng định: “Lượm tiền đánh rơi thì đem đến công an là hay nhất. Đừng lượm xong bỏ túi chạy mất là vô tâm”.
“Khổ chủ” đã nhận lại 20,5 triệu đồng
Cũng theo Thanh Niên, trưa 31.1, một người phụ nữ “lượm tiền”, người bị ghi lại trong video clip, đã liên hệ với chị Bảo Trân thông qua công an để xin trả lại số tiền 15 triệu đồng. Cùng với số tiền 4 triệu đồng được hoàn trả vào ngày 28.1, tổng cộng chị này đã gửi lại là 19 triệu đồng. Sáng 1.2, có thêm người chạy xe máy đã liên hệ “khổ chủ” trả lại 1,5 triệu đồng.
Nói về việc trả lại tiền, một số BĐ cho rằng chị này do áp lực của dư luận, báo chí và sợ công an truy ra nên mới trả. Tuy nhiên, BĐ Pin nhẹ nhàng cho rằng: “Cũng rất thông cảm cho chị trong tình huống bất ngờ, nhưng dù sao chị cũng nhận thấy việc làm của mình không hay và bản thân cũng đã sửa chữa. Mong rằng còn những người đã lỡ tay “lượm tiền” hãy trả lại cho khổ chủ, chứ không bị mời lên thì ngại lắm đó”. Nhiều BĐ khác, như BĐ Ly Hai cũng nhắn gửi: “Những ai “lượm tiền” hãy tự giác trả lại, đừng để bị phát giác, lúc đó quê cái mặt”.
Hãy tự đặt mình vào vị trí người mất của để cảm nhận nỗi buồn khi tài sản tích góp cả năm trời bị mất sạch chỉ vì chút lòng tham nhất thời của một số người.
Thanh Phong
Trước hết hoan nghênh dư luận xã hội, báo chí, công an đã tích cực vào cuộc giúp đỡ cháu gái tìm lại gần đủ số tiền tích cóp bao năm mà bất cẩn bị rơi trên đường. Vui vì người phụ nữ cuối cùng cũng biết lỗi, hồi tâm đem trả lại tiền đã “lượm”. Cuối cùng, cháu gái cần rút kinh nghiệm, từ nay làm gì cũng phải cẩn trọng, đừng làm rơi tiền như thế!
ba***@gmail.com
Thấy tiền rơi, nhặt là bình thường, nhưng sau đó phải báo công an hay tìm cách nào nó trả lại, điều này không chỉ là đạo đức mà còn là pháp luật. Biết bao nhiêu người gặp hoàn cảnh khó khăn trong đợt lũ lụt vừa qua, thấy tiền của người quyên góp bỏ quên trong túi áo, họ vẫn tìm cách trả lại đấy thôi?
Dung
|
Bình luận (0)