Ký giả có thể trở thành văn sĩ
Mối quan hệ nhà báo - nhà văn được Thiếu Sơn đề cập trong Câu chuyện văn học (NXB Cộng lực, 1943). Theo đó “hầu hết các nhà văn đều là người trong làng báo”. Hai nghề cầm bút là nhà báo và nhà văn, chẳng những không gây hại gì cho nhau, mà ngược lại “nhà viết báo có thể trở thành một danh sĩ được”. Những tên tuổi như Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam rất thành công trong lĩnh vực văn học với những tác phẩm để đời. Đồng thời họ hoặc là ký giả, hoặc là cộng tác viên các báo, tạp chí. Phạm Quỳnh có Thượng Chi văn tập, Khảo về tiểu thuyết (dịch) là Chủ bút Nam Phong tạp chí; Tam Lang là Chủ bút tờ Vịt đực, viết cho nhiều báo, nổi danh với thiên phóng sự Tôi kéo xe; Anh Thơ là biên tập viên của Đông Tây tuần báo, tác giả tập thơ Bức tranh quê…
Nam Phong tạp chí số 1-6, tháng 7 đến tháng 12.1917 ghi chức danh của Phạm Quỳnh là “Chủ bút phần quốc ngữ” |
Vẫn lời Thiếu Sơn: “Một nhà báo muốn có sự nghiệp văn chương không phải chỉ viết báo không mà có được”… “Một nhà viết báo, tuy biết yêu quý cái nghề của mình, nhưng phải nên có hoài bão muốn lưu lại một vài công trình kỷ niệm sau khi ngã thế lìa trần”. Lời tác giả Phê bình và Cảo luận đồng quan điểm với Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi, “những người ra làm báo toàn là những người biết viết văn, và trong khi làm báo, người ấy vẫn làm văn”.
Tuy nhiên dạo ấy, đời sống văn thi sĩ, nhà báo dẫu là trí thức mà thu nhập bấp bênh, vất vả. Nhà văn Tô Hoài đã phải than thở trong Những gương mặt: “Tháng nào cũng phải có truyện ngắn, truyện dài nộp cho báo và nhà xuất bản thì mới được người ta chi tiền” để chi trả các chi phí sinh hoạt. Có lúc túng bấn quá nhưng bí đề tài, Nam Cao, Tô Hoài phải cầu đến cả thầy bói, “túng đến nỗi có lần anh [Nam Cao] phải lấy chuyện Kinh Thánh ra viết phỏng theo thành truyện cho trẻ em đọc. Như truyện Bảy bông lúa lép. Tôi cũng đã tìm báo Nam Phong xem bài của người ta nghiên cứu về đình chùa rồi đem viết lại thành truyện cho thiếu nhi”, vẫn lời Tô Hoài.
Vũ Trọng Phụng viết bài cho báo, viết sách cho NXB siêng lắm, nhưng vẫn phải lo chạy ăn từng bữa cho vợ con, mẹ già và thuốc thang cho mình. Gia cảnh thì như miêu tả của Văn thi sĩ tiền chiến, là căn gác chật hẹp ở phố Hàng Bạc. Và theo lời Nguyễn Vỹ, nhà văn của những Lục xì, Cơm thầy cơm cô có lúc sốt cao, vẫn phải gượng dậy viết bài cho Tiểu thuyết thứ Bảy để có tiền mua đèn con cá cho con chơi Trung thu.
Báo trào phúng Con ong số 11, ngày 13.8.1939 được in tại nhà in riêng của báo |
Nhà báo sao rời được nhà in
Dù ký giả chẳng phải thợ sắp chữ nhà in, nhưng trong quan điểm của họ thì nhà báo không thể không biết đến nghề in. Viết hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan còn nhớ vì lo bài dịch cho La Revue Franco-Annamite bị sai khi in, nên chàng ký giả trẻ năng đến nhà in để sửa mo-rát, “nhân thể làm quen với nghề in vì nhà báo, nhà văn không thể nào xa nhà in, xa những người thợ in được”. Thậm chí có khi nhà báo viết bài ngay tại nhà in mà Đào Trinh Nhất của báo Đuốc nhà Nam là ví dụ. Đuốc nhà Nam in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, ông Nhất ngồi viết bài luôn tại nhà in, viết xong giao cho thợ sắp chữ.
Có báo chủ động nhà in như Tiếng dân, Con ong, Trung hòa nhật báo, Tin mới... nhưng cũng có những báo hạn chế về vốn, mặt bằng, phải in ở nhà in khác. Chẳng hạn báo Đuốc nhà Nam in tại nhà in Nguyễn Khắc Nương, rồi nhà in Thạnh Thị Mậu. Có nhà in sẵn mặt bằng, nhưng có nhà in lại phải thuê. Thế nên mới có chuyện khi bị đòi mặt bằng, nhà in phải “tay xách nách mang” di chuyển. Trường hợp nhà in Thạnh Thị Mậu thuê số 186 đường d’Espagne (đường Lê Thánh Tôn nay), Sài Gòn của ông chủ người Ấn, sau bị đòi lại là một ví dụ, dẫn đến sự ảnh hưởng tới báo in ở nhà in đó. Sài thành nhật báo số 61, ngày 3.2.1931 thông tin, tờ L’Echo Annamite phải đình bản khi nhà in Thạnh Thị Mậu chuyển đi.
Nhà báo Đào Trinh Nhất có lúc viết bài ngay tại nhà in cho thợ sắp chữ |
TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA |
Không có sẵn nhà in, tài chính lại hạn hẹp, có báo xảy ra thảm trạng ngặt nghèo khi báo in rồi mà không có tiền để lấy. Trần Huy Liệu chia sẻ trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, năm 1935 báo Đời mới ra số 2 đã phải lo sốt vó vì không có tiền trả nhà in lấy báo ra, “có lúc báo “nằm vạ” ở nhà in Long Quang chờ mấy ngày mới có tiền chuộc ra”. Vẫn trong kỷ niệm họ Trần, số 2 tờ Tiếng vang làng báo năm 1936 cũng phải nằm chờ ở nhà in vì lý do tương tự.
Dạo trước 1945, những người làm cách mạng phải hoạt động bí mật, làm báo rất cực khổ, trong đó có việc thuê nhà in. Để tốn kém ít nhất, họ thuê nhà in nơi có những người cảm tình với hoạt động của mình. Hồi ký Chặng đường nóng bỏng của Hoàng Quốc Việt kể “ở các nhà in chúng tôi thuê in báo, nhiều anh em công nhân sắp chữ hay làm máy hết sức chăm lo cho tờ báo của phong trào mình in rẻ và đẹp, ngăn chặn sự phá hoại của Tây, của chủ”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)