PGS-TS Trần Thị Phương Hoa, Phó viện trưởng Viện Sử học, đã chọn 2 tờ báo Tiếng Dân và Tràng An để nói đến sự quan tâm của trí thức Việt Nam về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như sự quan tâm, phán đoán của họ về tương lai chủ quyền biển đảo trong bối cảnh khu vực. Nghiên cứu được công bố tại tiểu ban Lịch sử, Khảo cổ, Hán Nôm của Hội thảo Việt Nam học lần thứ 6.
Rìu tay được phát hiện ở An Khê |
Trinh Nguyễn |
Theo nghiên cứu của PGS-TS Trần Phương Hoa, năm 1927 ông Huỳnh Thúc Kháng lập tờ báo Tiếng Dân - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ. “Tiếng Dân là một trong những tờ báo đầu tiên lên tiếng về hiểm họa Nhật Bản đối với an ninh vùng Biển Đông. Năm 1932, báo Tiếng Dân đưa lên trang nhất bài Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch. Một loạt bài sau đó tiếp tục cảnh báo về sự bành trướng của Nhật Bản ở vùng biển Thái Bình Dương và nguy cơ về một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Thậm chí, bài viết của tờ báo này còn dự báo cuộc chiến tranh Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật sẽ nổ ra vào năm 1935. Thực tế là cuộc chiến này nổ ra năm 1941”, bà Hoa cho biết.
Trong khi đó, chính quyền Pháp ở Đông Dương chỉ tập trung nguồn lực cho khai thác kinh tế, đàn áp phong trào giành độc lập dân tộc của người dân Việt Nam. Họ không tổ chức lực lượng phòng thủ Biển Đông, Thái Bình Dương, trong đó có bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. “Báo Tiếng Dân đã thúc giục chính quyền Pháp phải lên tiếng về chủ quyền với Hoàng Sa. Báo đã so sánh chính sách bảo vệ biển đảo của Pháp, cho rằng họ đã không lên tiếng, cũng không huy động lực lượng phòng thủ Biển Đông như những triều đại quân chủ Việt Nam từng thực hiện”, bà Hoa nói.
Theo PGS-TS Hoa, sau sự lên tiếng của Tiếng Dân, một làn sóng chủ quyền khác cũng nổi lên trên báo Tràng An vào 1938. Chủ nhiệm tờ báo là ông Bùi Huy Tín. Tờ này đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ này có 8 bài báo công bố liên tiếp vào tháng 7 và tháng 8.1938, đúng lúc Nhật Bản gây sức ép với đảo Hải Nam và dòm ngó Hoàng Sa để có thể kiểm soát vịnh Cam Ranh. Các trí thức Việt Nam đã cảnh báo giới chức Pháp phải tăng cường phòng thủ. Lúc này vua Bảo Đại đã ký dụ đặt Hoàng Sa dưới quyền quản lý của tỉnh Thừa Thiên. Đặc biệt theo bà Hoa, báo Tràng An còn phân tích từ góc độ luật để cho thấy Việt Nam đã sở hữu Hoàng Sa từ mấy trăm năm. “Tờ báo này đã vận dụng luật quốc tế để cho rằng chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam”, bà nói. Chính vì thế, theo bà Hoa: “Trí thức Việt Nam nhìn ra những vấn đề an ninh mà chính người Pháp khi đó chưa nhìn thấy được”.
Tiếng Dân - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ từng lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo |
chụp màn hình |
An Khê nối lại lịch sử
Trong khi đó, một phát hiện khảo cổ cũng được Viện trưởng Viện Khảo cổ Nguyễn Gia Đối công bố. Đó là phát hiện về phức hợp di tích đá cũ An Khê (Gia Lai) và vấn đề niên đại xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam. Phát hiện này, theo ông Đối, cho thấy nhận thức mới về lịch sử nguyên thủy ở Việt Nam.
TS Đối đưa ra so sánh giữa sưu tập đá cũ núi Đọ (Thanh Hóa) với các công cụ được tìm thấy ở An Khê. Theo đó, sưu tập đá cũ núi Đọ là đá gốc, đá bazan, không có chứng cứ về địa tầng vì được phát hiện bề mặt. Những công cụ này đã phải xác định niên đại dựa vào loại hình. Trong khi đó, TS Đối cho biết: “Tại An Khê, khảo cổ học tìm thấy công cụ trong tầng văn hóa nguyên vẹn, có chứng cứ địa tầng, niên đại. Công cụ An Khê có định hình hơn núi Đọ như có rìu tay đẹp hơn”.
Cũng theo TS Đối, khai quật ở An Khê cho thấy nhận thức mới về thời kỳ tiền sử ở Việt Nam. Với hóa thạch răng người và công cụ, An Khê cho thấy người xuất hiện ở đây còn trước cả so với núi Đọ. “Nó cho thấy sự xuất hiện, tiến hóa văn hóa tới 80 vạn năm. Nhận thức lịch sử nguyên thủy cũng thay đổi”, ông Đối nói. Đặc biệt, theo TS Đối, ở Đông Nam Á rất ít chỗ có phát hiện rìu tay. “Điều này khẳng định quan điểm lúc đó chỉ phương Tây mới có rìu là sai. Rìu tay An Khê khẳng định rằng nhận thức quan điểm Đông Á lạc hậu, phương Tây tân tiến là sai”, TS Đối nhận định.
Bình luận (0)