Nhếch nhác nhà tái định cư Pháp Vân - Tứ Hiệp

23/09/2014 08:00 GMT+7

Dự kiến là nơi ở mới cho cư dân tập thể C8 Giảng Võ, Hà Nội, tòa nhà NO6 tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp khá nhếch nhác, xuống cấp, không ai muốn đến.


Dưới chân tòa nhà, rác thải lưu cữu khiến tòa nhà trông như bỏ hoang lâu ngày - Ảnh: Minh Hoàng.

Tòa nhà NO6 được xây dựng theo diện nhà tái định cư từ năm 2004 và đến nay thể hiện rõ thiếu vắng sự quản lý, bảo trì, tu sửa. Tường tróc sơn, lở mốc, vữa rơi bong tróc tại đây từ lâu đã không còn là mối quan tâm chính của người dân, vì còn nhiều hệ lụy khác khiến cuộc sống khó khăn, chật vật hơn. Những người sống ở NO6 Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng đang mong được đến một nơi có cơ sở hạ tầng tốt hơn chỗ ở hiện tại.  

15 năm kể từ khi nhận bàn giao nhà, đến nay, các hộ dân vẫn phải tự túc nước sinh hoạt, bằng cách mua của tòa nhà đối diện 8.800 đồng/m3, thực chất là đội lên tới gần 11.000 đồng/m3 khi phải cộng thêm chi phí rò rỉ, thuê người thu tiền. Nguyên nhân là từ khi bàn giao nhà, đơn vị quản lý đã không ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp nước sạch.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, ở tầng 9 tòa nhà cho biết, khổ nhất là mùa hè, cứ điện mất thì nước cũng mất theo nên các hộ gia đình ở đây đều rất bức xúc. Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền nước cho 4 thành viên trong gia đình, chị đã phải trả hơn 250.000 đồng.

Chuyển từ tập thể Nguyễn Công Trứ về tái định cư ở NO6 Pháp Vân - Tứ Hiệp, anh Khang, sống tại tầng 7 NO6 nói thêm, thang máy chỉ có một chiếc hoạt động, tốc độ thì “siêu” chậm, lại thường xuyên giật khựng khi vận hành. Vì không có máy phát điện riêng cho thang máy, nên tình trạng “treo” khi đang có người bên trong xảy ra thường xuyên.

Theo anh Khang, tại khu tái định cư này, thang máy là nỗi ám ảnh của người dân, người già và trẻ em đi thang bộ cho an toàn. Không ít lần, người dân bị kẹt trong thang hơn hai tiếng mà chưa được cứu hộ. Có người chờ lâu liền lăn ra… ngủ gục trong thang vì đã quá quen với cảnh bị nhốt bất đắc dĩ. Xác nhận tình trạng nói trên, một số bảo vệ tại tòa NO6 cho biết, đã phải dán số điện thoại và lịch trực chi tiết bên trong để người dân chủ động liên lạc khi có sự cố. 

Ngoài tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, khu dân cư này còn không được bố trí những hạ tầng tối thiểu phục vụ cho cuộc sống người dân như chợ, trường học...

Đến tham quan cuộc sống tại nơi tái định cư mới trước thời hạn chuyển về, anh Phạm Văn Hưng, cư dân nhà C8 Giảng Võ cho biết, nhìn cơ sở hạ tầng và nghe những người dân sống tại NO6 kể, anh quyết định không chọn nơi ở mới này. Dự kiến hết tháng 9, các hộ dân từ C8 Giảng Võ sẽ phải chuyển đến khu tái định cư. Nhưng đến thời điểm này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay vẫn chưa di dời được hộ nào khỏi C8 Giảng Võ.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam nói chung và ở TP.Hà Nội nói riêng, nhà tái định cư là loại nhà ở có chất lượng kém nhất. Tổng hội Xây dựng đã đề nghị bỏ hẳn nhà tái định cư ở thành phố, chỉ nên duy trì ở vùng núi, nông thôn xa xôi khi thực hiện các dự án thủy điện, giao thông… Phương án cấp kinh phí cho người dân tự tìm chỗ ở cho mình, với mức bình quân khoảng 3-4 triệu đồng tiền thuê nhà/tháng cho khoảng 4-5 người cũng đã được Tổng hội đề cập nhiều lần.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội hoàn toàn ủng hộ phương án giải quyết tái định cư theo nguyện vọng từng hộ dân. “Ai muốn lấy tiền để tự thuê nhà ở thì để họ lấy. Hộ nào muốn bố trí nhà tái định cư thì Nhà nước sẽ bố trí. Như vậy sẽ rất tốt vì hiện tại quỹ nhà tái định cư đang thiếu. Các phương án này cũng sẽ khiến cho việc di dời người dân khỏi những khu nhà nguy hiểm được dễ dàng hơn”, ông Tuấn nói.

Minh Hoàng - Lê Quân

>> Ì ạch tái định cư
>> TP.HCM: Đời sống người dân tái định cư vẫn gặp khó
>> Khát' đất tái định cư
>> Nhà 'nằm trên giấy' vì chưa xong khu tái định cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.