Đồ lót đổ đống bán mớ trong khu di sản
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch Transviet, hào hứng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu khi tới festival.
Tiếng là giới thiệu văn hóa truyền thống, nhưng trong không gian của festival tại di tích Hoàng thành Thăng Long lại có những mặt hàng chẳng liên quan gì tới chủ đề festival. “Ở đầu khu gian hàng, cửa hàng bán đồ da phát loa ầm ĩ giới thiệu sản phẩm và mức giảm giá siêu khuyến mãi. Ở giữa các gian hàng bán quần áo hàng chợ treo biển: 5 cái quần lót (nữ) giá 100.000 đồng, sịp nam giá 50.000 đồng... Đi sâu hơn là cửa hàng bán kính vắng khách, nhân viên đang hát karaoke giọng rên rỉ, cạnh đó là gian hàng bán đồ thông tắc vệ sinh. Trong cùng là dãy hàng gia dụng đồng giá 39.000 đồng mỗi món”, ông Đạt chia sẻ. Cũng tại khu vực bán hàng này, nhiều khách có thể ngồi duỗi dài chân trên ghế massage để thử máy.
|
|
|
Khu vực giới thiệu ẩm thực cũng làm ông Đạt thất vọng không kém, đặc biệt là khi ông còn dẫn theo một người bạn nước ngoài đi cùng. Ông cho biết tìm mỏi mắt mới thấy lác đác vài món quà như bánh tẻ, bánh đậu xanh. Trong khi có thể thấy rất nhiều món ăn của các nước khác: gimbap chiên, lẩu bò kim chi Hàn Quốc, sushi Nhật, xúc xích Đức, trà sữa Đài Loan. Khu vực ăn uống này, bàn ghế nhựa lộn xộn, đồ ăn thừa, giấy ăn vứt bừa bãi trông thật nhếch nhác.
|
“Hằng ngày vẫn có trăm ngàn khách du lịch quốc tế đến hoàng thành. Không hiểu họ thấy cảnh này thì nghĩ gì về văn hóa truyền thống VN. Chẳng biết là cởi mở hay là sự tùy tiện đến mức vô trách nhiệm, phản văn hóa ở một lễ hội văn hóa giữa Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa UNESCO thế giới - ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến”, ông Đạt bức xúc.
Không rõ, UBND TP.Hà Nội nghĩ thế nào về sự cố này. Festival là hoạt động do Câu lạc bộ bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt cùng Queen Group tổ chức. Lễ khai mạc festival còn có sự tham gia của Phó chủ tịch UBND TP phụ trách văn hóa xã hội là ông Ngô Văn Quý.
Không phải lần đầu
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội (đơn vị trông coi Hoàng thành Thăng Long), cho biết: “Các gian hàng của festival này đã được Sở Công thương cấp phép. Khi họ vào đây họ phải tuân theo các quy định”.
Tuy nhiên, ông Thắng không nói rõ được trung tâm có quy định cụ thể loại sản phẩm nào được mang vào bán trong khu vực Hoàng thành Thăng Long hay không. Cũng theo ông Thắng, hoàng thành cũng có quy chế cấm một số hoạt động thương mại thuần túy, còn việc giới thiệu sản phẩm vùng miền thì trong đề án của hoạt động có cho phép.
“Thực ra đó là giới thiệu sản phẩm. Chỉ cái gì nó cảm thấy không phù hợp thì cho ra thôi. Cái này chắc là lợi dụng yếu tố đó để làm vậy. Mình cũng không kiểm tra được. Khi phát hiện ra, chúng tôi đã làm theo quy trình là mời lên dẹp ngay, nhưng chắc nó cứ nấn ná”, ông Thắng nói. Mặc dù vậy, hiện việc cương quyết này mới chỉ là gọi lên làm việc, không có biên bản ghi nhận gì.
Việc “mở chợ” trong Hoàng thành Thăng Long như thế này không phải diễn ra lần đầu. Còn nhớ hồi năm 2016, chính khu vực Đoan Môn này cũng từng bị biến thành một cái chợ nóng nực và nhếch nhác.
Các gian hàng còn tự căng dù bạt để chống nắng nóng. Khu vực ẩm thực cũng vô cùng nghèo nàn, không có gì chung với nền ẩm thực Việt đáng tự hào mà chúng ta đã giới thiệu với thế giới trong sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua. Tuy nhiên, lần này, với việc có những mặt hàng “đặc thù” dạng quần áo lót, bột thông cống, dụng cụ thông tắc bồn cầu… thì sự bất cập về văn hóa đã tăng vọt.
Đừng hạ thấp di sản
“Các hoạt động diễn ra trong các di sản thì phải gần với tính chất di sản. Nó có vai trò làm phong phú thêm nhưng không được làm mất giá trị di sản. Nếu đưa những loại hoạt động dung tục quá là đã làm hạ thấp di sản. Chúng ta phải hỏi vai trò quản lý ở đó như thế nào. Chúng ta phải rạch ròi chứ không thể để nhộn nhạo như thế”, PGS-TS Khuất Tân Hưng, chuyên gia nghiên cứu di sản kiến trúc của ĐH Kiến trúc Hà Nội, nhận xét.
|
Bình luận (0)