Nhiệm kỳ để hàn gắn của Tổng thống Macron

Lan Chi
Lan Chi
26/04/2022 07:30 GMT+7

Tiếp tục là vị nguyên thủ của những cột mốc lịch sử, nhưng với Tổng thống Emmanuel Macron , “những điều chưa từng có” không chỉ là vinh quang, mà còn là những bài toán khó cho nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Tối 24.4, người Pháp đã xác định được ai sẽ là chủ nhân của Điện Élysée trong 5 năm tới. Theo Bộ Nội vụ nước này, kết quả kiểm phiếu chính thức cho thấy ứng viên Emmanuel Macron của đảng Cộng hòa Tiến lên (LREM) chiến thắng ở vòng 2 với 58,54% số phiếu, vượt qua bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN, 41,46%).

Ông Macron trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Pháp đắc cử 2 nhiệm kỳ bằng phổ thông đầu phiếu, sau 2 vị tiền nhiệm là Jacques Chirac (từ 1995 - 2007) và François Mitterrand (1981 - 1995). Mỗi nhiệm kỳ tổng thống Pháp trước đây dài 7 năm, từ năm 2007 thì rút ngắn còn 5 năm. Ứng viên của LREM cũng là vị tổng thống đầu tiên dưới thời đệ ngũ Cộng hòa Pháp tái đắc cử bằng lá phiếu phổ thông mà không trong giai đoạn phải áp dụng liên minh chính trị với đảng đối lập.

Sau niềm vui chiến thắng, ông Macron và đảng LREM sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách trong nhiệm kỳ mới

AFP

Hành trình gập ghềnh

Cuộc “phiêu lưu” chính trị của ông Macron xuất phát từ những số không - không có đảng (LREM khởi đầu chỉ là một phong trào chính trị); không thuộc cánh tả, cũng chẳng thuộc cánh hữu - những định hướng chính trị truyền thống của Pháp; không có nghị sĩ hoặc đại biểu dân cử nào của các hội đồng tỉnh, thành - nhưng đã làm nên chuyện trong kỳ bầu cử năm 2017.

Ông trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pháp khi chưa tròn 40 tuổi. Sau 5 năm, cuộc phiêu lưu ngày nào đã được định hình, bồi đắp thành một hành trình rõ nét, với nhiều người đồng hành, Tổng thống Macron và đảng LREM đã khẳng định được họ không phải là một “ngoặc đơn đột biến” của chính trường nước này. Đủ lý do để tại cuộc gặp gỡ với những người ủng hộ sau khi có kết quả vòng 2, một lần nữa ông xuất hiện trên nền nhạc bản giao hưởng số 9 (Hoan ca) của Beethoven - cũng là bài ca chính thức của EU.

Ông Macron trở thành tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử sau 20 năm

Trên cùng nền hoan ca, lần này, Tổng thống Macron chọn công viên Champs de Mars cạnh tháp Eiffel thay cho quảng trường Caroussel trước Bảo tàng Louvre vào năm 2017, và ông không độc hành đến với công chúng như 5 năm trước, mà đi cùng vợ - bà Brigitte Macron - và một nhóm bạn trẻ. Sự xuất hiện mang theo nhiều thông điệp: hướng về châu Âu trên nền bài ca của EU; hướng về thế giới vì tháp Eiffel ra đời nhân dịp Paris tổ chức cuộc Triển lãm thế giới vào năm 1889; và hướng về thế hệ tương lai, đặc biệt trong bối cảnh giới trẻ tại Pháp tỏ ra bất bình và cho rằng đã bị lãng quên trong nhiệm kỳ vừa qua.

Những thông điệp này bao gồm cả những thế mạnh về đối ngoại - ông Macron được đánh giá khá cao trong vai trò trung gian tìm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Nga - Ukraine, lẫn những điểm chưa được tán đồng về đối nội. Những kết quả chi tiết của 2 vòng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 cho thấy sau hoan ca sẽ là một hành trình gập ghềnh.

Cực hữu ngày càng lớn mạnh

Theo kết quả chính thức, có đến 28,01% số cử tri đã không đi bầu, cao nhất kể từ năm 1969, chưa kể hơn 2,2 triệu người (4,57%) đến phòng phiếu nhưng bỏ phiếu trắng.

Tại khu Champs de Mars ở Paris vào tối 24.4 (theo giờ địa phương), trước rất đông những người ủng hộ, vị tổng thống vừa tái đắc cử thừa nhận: “Tôi biết rằng nhiều người đã không đi bầu. Sự thinh lặng của họ chính là sự từ chối lựa chọn, và chúng ta sẽ phải có lời giải đáp cho sự từ chối đó”.

Và điều đáng lo ngại hơn, không chỉ với ông Macron, mà còn với tương lai của chính trường Pháp, chính là sự lớn mạnh hơn bao giờ hết của lực lượng cực hữu. Hoàn toàn khác với thất bại đậm nét của Le Pen “cha” (ông Jean-Marie Le Pen), chỉ được 17,79% số phiếu, so với 82,21% của Tổng thống Jacques Chirac ở vòng 2 kỳ bầu cử năm 2002, ứng viên của RN tại kỳ bầu cử lần này đã thu ngắn được đáng kể khoảng cách so với đối thủ ở “chung kết”. Bà Marine Le Pen cũng tăng tỷ lệ ủng hộ thêm 7,56% so với “chung kết lượt đi” cách đây 5 năm với ông Macron.

Chính vì vậy, tuy thừa nhận thua cuộc ở vòng 2, nhưng bà khẳng định số điểm đạt được là “một thắng lợi huy hoàng” và “kết quả này đã cho các nhà lãnh đạo của Pháp cũng như châu Âu thấy sự bất bình không thể chối bỏ của nhân dân Pháp”. Chiến lược “cực hữu nhu mì” đã phát huy tác dụng. Bà Le Pen cùng với đảng RN chắc chắn sẽ là một đối thủ đáng dè chừng của LREM và mọi đảng phái khác trong những cuộc bầu cử lớn, nhỏ sắp tới ở Pháp.

Tổng thống Macron thừa nhận “nhiều người Pháp đã lựa chọn cực hữu, chính sự phẫn nộ và những bất đồng đã thúc đẩy họ bỏ phiếu như thế”. Những bất đồng, phẫn nộ, chia rẽ hơn lúc nào hết đã thể hiện rõ trong lá phiếu của các cử tri. Nếu nhiệm kỳ đầu tiên được ông Macron cam kết tạo nên những thay đổi cho nước Pháp, thì trong nhiệm kỳ thứ hai, “từ khóa” mà ông không thể lãng quên chính là “hàn gắn”.

“Vòng 3” bầu cử

Phát biểu với báo giới trong 2 tuần qua, các cộng sự thân tín của Tổng thống Emmanuel Macron nhiều lần cho biết họ không “mất ăn mất ngủ” vì kết quả vòng 2, nhưng lại rất lo lắng cho giai đoạn mở đầu nhiệm kỳ, nếu ứng viên của LREM tái đắc cử. Ông sẽ phải sớm bắt tay vào những dự thảo luật liên quan đến lộ trình tăng dần tuổi về hưu từ 62 lên 65 tuổi.

Đây là một điều khoản quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của ông, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mọi cải cách liên quan đến chế độ hưu trí ở Pháp lâu nay luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn và hệ quả là những cuộc đình công, biểu tình quy mô lớn toàn quốc.

Chủ đề “hóc búa” khác với ông Macron là trong tương lai gần, phải sớm áp dụng các biện pháp như hạn chế tăng giá điện, nhiên liệu, trợ cấp chi phí thực phẩm cho người có thu nhập thấp… để cải thiện sức mua, như đã hứa trong lúc tranh cử. Trong khi đó, gánh nặng từ những khoản nợ đã chi trong giai đoạn đối phó đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát. Tăng các khoản trợ cấp xã hội trong bối cảnh lạm phát, một bài toán cực kỳ khó giải.

Sau cùng, các ứng viên thua cuộc từ vòng 1 và đối thủ vòng 2 là bà Marine Le Pen đều đã nhanh chóng bắt đầu cuộc đua nhắm đến “vòng 3”, bầu cử hạ viện Pháp vào tháng 6 tới. Tuy hiện tại LREM đang giữ thế đa số ở hạ viện, và chính phủ của ông Macron không phải lập liên minh với đảng đối lập nhưng đây chỉ là ưu thế tạm thời. Nếu trong 2 tháng tới để mất nhiều ghế và không đạt đa số quá bán ở hạ viện, nhiệm kỳ thứ hai của vị tổng thống trẻ tuổi chắc chắn sẽ khó khăn vô cùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.