Chiều 21.2, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam cùng Bộ TN-MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo luật Đất đai sửa đổi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết luật Đất đai là bộ luật hết sức cơ bản, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã được trình ra Quốc hội tại kỳ họp 4 (tháng 10.2022) và được Quốc hội cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Do đó, ông Hà bày tỏ mong muốn các ý kiến tập trung góp ý trực tiếp vào dự thảo luật để làm sao thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đồng thời đủ điều kiện pháp lý để thực hiện và người dân nào đọc cũng có thể hiểu và áp dụng.
Ông cũng lưu ý những vấn đề nào đã được Hiến pháp hiến định như sở hữu, quyền sử dụng đất và trong quá trình triển khai không gặp vấn đề gì thì không cần đề cập.
6 phương pháp định giá nhưng không ra được giá đất chính xác
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu 3 vấn đề muốn được các đại biểu góp ý cho dự thảo luật.
Thứ nhất là quy hoạch sử dụng đất, dự thảo luật đưa ra 3 cấp quy hoạch đất đai gồm: quốc gia, cấp tỉnh và huyện (bao gồm xã), so với luật Đất đai 2013 là tăng thêm cấp tỉnh.
"Chúng ta xem công cụ này có thực hiện được quyền năng phân bổ, quản lý mục đích sử dụng đất đai hay không?", ông Hà nêu.
Thứ 2 là vấn đề xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Ông Hà phân tích, theo nguyên tắc thị trường tức là chỉ khi bán, mua, đấu thầu, đấu giá. "Để sát với cơ chế thị trường thì phương pháp xác định thế nào để việc định giá đất đai thay đổi thực tế hiện nay là bằng 6 phương pháp nhưng mà vẫn không ra được một giá chính xác", ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, thời gian vừa qua việc xác định giá đất xảy ra nhiều bất cập, làm cho cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý không giải quyết được. Do đó, dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng định nghĩa thế nào là giá thị trường, phương pháp nào xác định giá bình quân trong điều bình thường.
"Đề nghị các chuyên gia ở đây xem đưa ra 2 vấn đề như vậy có khả thi không, bao giờ làm được và làm như thế nào", ông Hà nêu vấn đề.
"Nhiệm kỳ này thu tối đa từ đất thì nhiệm kỳ sau phải làm sao?"
Vấn đề thứ 3 được ông Hà nêu để xin ý kiến là việc chuyển dịch đất đai để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang đô thị, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quá trình chuyển dịch này tác động rất nhiều từ thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư… Hiện nay, quan điểm của Đảng là sau quá trình thu hồi đất thì người dân phải được hưởng lợi từ các dự án phát triển, sau khi tái định cư người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn…
"Chúng tôi mong nhận được các ý kiến nhìn toàn diện hơn để làm sao giải quyết được vấn đề này. Đây là vấn đề khó khăn liên quan không chỉ kinh tế, xã hội, chuyển dịch lực lượng lao động, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, người dân phải di dời cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp", Phó thủ tướng nói.
Vấn đề khác được ông Hà nêu ra là chính sách cho thuê đất trả tiền hàng năm thay vì giao đất lâu dài, cho thuê đất trả tiền một lần mới được đưa vào dự thảo luật.
Theo ông Hà, việc này giúp đảm bảo về mặt tài chính mỗi giai đoạn phát triển thì nguồn lực đất đai đảm bảo ổn định phục vụ công tác quản lý đồng thời không tạo lợi ích nhóm theo nhiệm kỳ.
"Tức là nhiệm kỳ này cố gắng để thu tối đa từ đất thì nhiệm kỳ sau, thế hệ sau phải làm sao", ông Hà phân tích và cho rằng, đây cũng là một chính sách cần được xem xét kỹ lưỡng xem việc quy định như vậy đã thể hiện được chủ trương của Đảng, Nhà nước hay chưa; đồng thời có sơ hở gì dễ bị lợi dụng hay không?
Dự án luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội tại kỳ họp 4 (10.2022). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo luật Đất đai. Theo đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ tiến hành từ 3.1 đến 15.3.
Bình luận (0)