Nhiệt miệng

01/05/2012 03:14 GMT+7

Không khí oi bức, nóng nực khiến nhiều người mệt mỏi, ăn uống kém, dễ mắc các bệnh do nhiệt, trong đó có bệnh nhiệt miệng.

 Nhiệt miệng
Tăng cường ăn rau trái có tính mát như khổ qua, mồng tơi, rau má... trong mùa nóng - Ảnh: Hạ Huy

Nhận diện bệnh

Triệu chứng của nhiệt miệng thường bắt đầu với sự xuất hiện một mụn nước nhỏ, rất dễ vỡ, để lại một vết lở cạn (nông) ở niêm mạc miệng, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 2-10 mm, bờ rõ rệt, đáy màu vàng nhạt, xung quanh có một đường viền màu đỏ tươi. Nơi xuất hiện các vết loét thường là ở mặt trong của má, lợi hay đầu lưỡi, gây khó chịu, đau, xót mỗi khi nói, ăn uống. Nếu bị nặng, vết loét có thể gây viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm, rối loạn tiêu hóa. Các vết loét này thường tự biến mất sau 1-2 tuần dù không điều trị, nhưng rất dễ tái phát theo chu kỳ (tức viêm loét miệng mạn tính). Mỗi đợt tái phát thường xuất hiện 1-3 vết loét hoặc nhiều hơn, thường ở niêm mạc má, bờ và mặt dưới lưỡi, lợi, sàn miệng.

Theo Tây y, nguyên nhân của tình trạng nhiệt miệng thường là do thiếu vitamin C, PP, B6, B2, kẽm và axít folic, do rối loạn nội tiết khi hành kinh, mang thai, ở độ tuổi mãn kinh, các rối loạn về tiêu hóa, các nhiễm khuẩn ở răng miệng, chấn thương ở niêm mạc miệng. Còn theo Đông y, bệnh phát sinh do hóa độc, nhiệt độc, thấp nhiệt ở tỳ, vị, tâm, can, thận hay gặp nhất là ở tỳ vị, do ăn uống...

Chữa trị và đề phòng

Bệnh này tưởng nhẹ nhưng nhiều khi chữa không khỏi, tái phát nhiều lần, gây khó chịu khi ăn uống. Đối với các chứng nhiệt miệng do các nguyên nhân khác thì cần phải tìm đúng căn nguyên và điều trị từ gốc. Đối với nhiệt miệng do ăn uống, cần tăng cường các loại rau quả để bổ sung các yếu tố vi lượng, vitamin như C, PP, B2..., hạn chế các đồ cay, nóng như gừng, tỏi, ớt... sẽ giúp làm chậm diễn tiến của bệnh và bệnh nhanh rút lui hơn. Đây cũng là cách phòng tái phát bệnh hiệu quả.

Theo Đông y, nhiệt miệng có các thể bệnh với các biểu hiện khác nhau và dùng bài thuốc đặc trị để chữa:

- Thể âm hư hỏa vượng: nơi lở miệng đỏ tươi và đau, mất ngủ, tiểu tiện vàng, ít. Dùng bài thuốc: sinh địa 30 gr, cam thảo 6 gr, hoàng bá 9 gr, nữ trinh tử 15 gr, quy bản 9 gr, cốc nha 15 gr, mộc thông 6 gr, hoàng liên 3 gr, tri mẫu 9 gr, hạn liên thảo 15 gr.

- Thể âm hư hỏa độc ứ trệ: nơi lở miệng sưng đỏ, họng khô, khát nước. Dùng bài thuốc: sinh địa 20 gr, xích thược 20 gr, xuyên khung 9 gr, hoàng liên 6 gr, cốc nha 10 gr, thần khúc 10 gr, chi tử 12 gr, bạch thược 20 gr, hoàng cầm 9 gr, hoàng bá 12 gr, mạch nha 10 gr, đan sâm 15 gr.

- Thể vị hỏa: miệng loét, lan tới chân răng, môi, má sưng đỏ, nóng rát, khát nước. Dùng bài thuốc: sinh thạch cao 30 gr, cam thảo 6 gr, huyền sâm 15 gr, lô căn 30 gr, thạch hộc 15 gr, tri mẫu 9 gr, sinh địa 30 gr, mạch môn đông 9 gr, thiên hoa phấn 30 gr, liên kiều 15 gr.

- Thể thận âm bất túc, hư hỏa nung nấu: nơi lở miệng tái phát nhiều lần, họng khô, khát, ưa uống nước lạnh, chóng mặt. Dùng bài thuốc: sinh địa 15 gr, bạch thược 12 gr, mạch môn đông 12 gr, đan bì 12 gr, chi tử 10 gr, hoài sơn 12 gr, nữ trinh tử 12 gr, thục địa 15 gr, thiên môn đông 10 gr, hoàng cầm 12 gr, huyền sâm 12 gr, cát cánh 12 gr, địa cốt bì 12 gr, cam thảo 10 gr.

Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên: nước đầu cho các vị thuốc cùng 3 chén nước, sắc còn 1 chén, chiết ra; nước hai cho 2 chén nước vào, nấu tiếp, còn lại nửa chén. Hòa hai nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, sau bữa ăn 1 giờ.

Đề phòng nhiệt miệng mùa hè, nắng nóng, hạn chế ăn uống các món kích thích, cay nóng; tăng cường ăn nhiều rau quả, trái cây có tính mát như: dưa chuột, bí đao, mướp đắng, rau má, mồng tơi, rau đay... Hằng ngày phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, sáng sớm khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Lương y Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.