Tất cả là tại bà hàng xóm?
Lê Thị Phương Trinh (27 tuổi), làm việc ở đường Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM từng gặp trường hợp đau thương với… bà hàng xóm. Phương Trinh vừa lấy chồng cách đây 1 năm, thế nhưng lúc nào cô gái cũng đau đầu với những câu hỏi xoáy đáp xoay của hàng xóm như: "Chồng làm nghề gì?", "Lương vợ chồng vậy sao sống?", "Khi nào có em bé? Đẻ liền đi kẻo… hết trứng!"…
"Mình cảm thấy phiền với những câu hỏi như thế. Một số người hỏi với mục đích như những lời hỏi thăm để gắn kết câu chuyện, còn số khác thì lại hỏi theo khía cạnh tò mò và không có thiện ý. Chúng ta đều mang tâm lý sợ thua thiệt, bị người khác ganh ghét, bàn tán về đời tư sau lưng. Vì thế, khi nghe xong mình thấy sợ lắm. Trước đây, mình thường bị nói là "con gái gì mà ngủ tới trưa thì làm sao ai dám rước về làm vợ", nhưng công việc của mình là làm ca tối nên buổi sáng cần ngủ để lấy lại sức", Trinh kể khổ.
Khi lấy chồng, Trinh dọn sang nhà khác ở. Cô gái tránh mặt tất cả hàng xóm xung quanh, xem như không quen biết ai. Tuy nhiên, thi thoảng Trinh vẫn nhận được những câu hỏi nhức đầu từ các cô hàng xóm.
Còn Nguyễn Văn Chí Dũng (27 tuổi), ngụ ở đường Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM gặp một câu chuyện đau thương khiến anh chàng này gần như muốn tuyệt giao với hàng xóm.
Dũng chia sẻ: "Mình từng thuê một căn nhà nguyên căn hướng ra hồ rất đẹp. Mình dự định sẽ sửa lại mặt bằng rồi cho thuê. Sau khi căn nhà đăng tải trên mạng, nhiều người thích thú nên ghé qua xem. Khồng ngờ, bà hàng xóm méc chủ nhà là mình… lừa đảo cho nhiều người qua xem nhà để lấy tiền cọc rồi bỏ trốn. Chủ nhà bèn lấy lại nhà luôn".
Người bạn khác của Dũng từng bị hàng xóm đồn thổi là "có chồng sắp cưới" khi nhờ đồng nghiệp chở về chỉ vì bị đau chân. Khi nghe mẹ kể lại, cô gái quyết định mỗi ngày nhờ một đồng nghiệp nam khác nhau đưa về nhà. Ngay lập tức, hàng xóm đồn thổi cô này làm nghề "không tốt", quen một lúc nhiều anh khiến cô gái ngao ngán. Theo Dũng, cách tốt nhất để né các bà hàng xóm là im lặng, xem như không biết gì để tránh những rắc rối về sau.
Xã hội hiện đại, người ta càng quên đi hàng xóm
Trong khi đó, Trần Thanh Trúc (18 tuổi), ngụ ở đường 8, P.Trường Thọ TP.Thủ Đức, TP.HCM, thú nhận cô nàng không biết hàng xóm mình là ai. Cô gái từ chối "giao du" với các nhà xung quanh, không trò chuyện, tâm sự với ai… Cô thậm chí không biết xung quanh mình mọi người đang làm nghề gì, họ có điều gì mới… Gia đình của Trúc cũng vậy, họ cảm thấy luôn thờ ơ với hàng xóm xung quanh.
"Mình chỉ biết xóm của mình cho thuê trọ nhiều nên sẽ có một số người không tốt. Vì thế, mình tự bảo vệ bản thân bằng việc coi như… không biết hàng xóm là ai. Gần đây, khu vực mình ở có đám ma. Cả nhà mình đều hỏi nhau: "Ai mất vậy?". Lúc này, mình mới ngớ người ra là bản thân khá vô tâm nên vô tình lãng quên luôn mọi thứ xung quanh", Trúc nói.
Theo Trúc, những bạn trẻ sinh ra ở thời buổi hiện đại, khi xã hội phát triển đồng nghĩa với việc các bạn cũng phải "đu" theo cộng đồng để không bị tụt hậu, vì thế ai cũng cần tập trung học hành, làm việc để phát triển bản thân. "Khi tập trung vào bản thân để nâng cao đời sống, người trẻ cũng bỏ qua những gì mà mình cho là không phù hợp với bản thân và ít dần đi sự tương tác với hàng xóm", cô nàng chia sẻ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, cho rằng lối sống hiện đại, nhu cầu tôn trọng quyền riêng tư ngày càng cao khiến cho nhiều người trẻ mất dần kết nối với hàng xóm. Họ không muốn can thiệp vào đời tư của người khác và không muốn hàng xóm xen vào cuộc sống riêng.
Tại các thành phố lớn, tình trạng này tăng cao. Bên cạnh mặt tích cực là quyền riêng tư ngày càng được nâng cao thì việc người trẻ mất kết nối với hàng xóm, gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt.
"Người trẻ khó tìm kiếm sự giúp đỡ từ "láng giềng" gần trong lúc hoạn nạn. Thậm chí, chai dầu, lọ mắm vô tình hết cũng không biết nhờ đỡ ai. Tôi đọc báo thấy các vụ việc bị sát hại trong thời gian dài nhưng không được phát hiện vì mọi người đang có xu hướng ai ở nhà nấy, chỉ biết việc của mình. Sự gắn kết không có khiến con người dần lãng quên giá trị tương thân tương ái từ văn hóa xóm làng", thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu nói.
Thạc sĩ Đào Lưu lấy ví dụ câu chuyện hai người hàng xóm nhưng không biết mặt. Mãi khi ra đường, cả hai va chạm giao thông với nhau thì mới phát hiện đối phương là… hàng xóm của mình. Sau sự kiện đó, họ mới nhận ra mình đã rất vô tâm với những người sống xung quanh.
"Tôi cho rằng nếu chỉ ở trong nhà, đóng chặt cửa thì bạn sẽ không bao giờ có hàng xóm. Vì thế, bạn nên mở cửa bước ra và đón nhận. Mở cửa còn có thể hiểu theo hướng bản thân các bạn trẻ chủ động... mở lòng, chia sẻ, làm quen và tương tác với những người xung quanh. Chí ít cũng nên biết hàng xóm của mình là ai, họ có thói quen sinh hoạt thế nào để giúp đỡ hỗ trợ trong những phút giây hoạn nạn. Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia một số công tác xã hội, đoàn thể nơi cư trú để tăng sự gắn kết với cộng đồng hơn", thạc sĩ Đào Lưu nói.
Bình luận (0)