Sự việc một bạn trẻ 19 tuổi phát trực tiếp (livestream) trên Facebook buổi chiếu phim Cô Ba Sài Gòn mới đây là giọt nước tràn ly cho những bức xúc của giới sản xuất phim với hành vi phạm luật của giới trẻ.
Đạo diễn, diễn viên ngán ngẩm
Không phải đến Cô Ba Sài Gòn, tình trạng này mới xảy ra. Trước đó, hàng loạt phim đã bị livestream ngay từ ngày công chiếu như Vòng eo 56, Gái già lắm chiêu, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Em chưa 18, Xóm trọ 3D, Lô tô… Đến khi chuyện này xảy ra, giới làm phim càng trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.
Ngay sau sự việc phim Cô Ba Sài Gòn trong ngày công chiếu, Ngô Thanh Vân đã bật khóc. Chị càng bức xúc hơn khi đây đã là lần thứ hai bộ phim mình sản xuất bị vi phạm bản quyền. Tháng 8.2016, khi công chiếu bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, một bạn nữ trẻ xem phim tại rạp ở Q.7, TP.HCM cũng đã livestream phim này.
Ngô Thanh Vân nói: “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê kíp của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy!”.
Tuy nhiên, chính Ngô Thanh Vân cũng khó xử về cách xử lý một người quá trẻ như vậy. Chị muốn xin ý kiến mọi người là nên xử lý triệt để theo khung hình phạt hay không.
Chị cho biết: “Với hành động livestream Cô Ba Sài Gòn ngày hôm qua, quả thực Vân không muốn bạn phải chịu hình phạt quá khắt khe và nặng nề như bên công an đã báo cho Vân nếu truy cứu. Nhưng đây là lần thứ 2 liên tiếp thành quả lao động của tập thể sản xuất phim do Vân đứng đầu bị tình trạng ăn cắp một cách trắng trợn dù Vân đã lên tiếng ngay lúc bạn vừa làm. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt đã tha thứ, cảnh cáo và giáo dục rất nhiều lần nhưng không đem lại một hiệu quả nào rõ rệt. Giống như chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ cho những việc xấu tưởng chừng là nhỏ, để rồi tất cả đều hại nhau. Vân không biết phải như thế nào, dù rất nhiều bạn và những anh chị trong nghề muốn Vân phải xử lý bạn trẻ theo pháp luật thật năng một lần cho nghiêm, còn bản thân Vân vẫn còn chần chừ…”.
Là một người từng bị livestream tương tự ngay ngày công chiếu phim Vòng eo 56, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết mình rất phẫn nộ trước một chuyện như vậy tiếp tục xảy ra. Anh khẳng định: “Các bạn này còn rất trẻ. Nhưng tôi nghĩ nên phạt tù và phạt tiền ở mức khung cao nhất của mức vi phạm để răn đe. Vì lần nào bắt được cũng cảnh cáo rồi tha nên nhiều người không sợ. Chỉ có trừng trị thích đáng mới làm gương cho nhiều người, và ngăn chặn được những điều tương tự diễn ra trong tương lai".
Phan Thị Mơ, Top 5 Hoa hậu Việt Nam năm 2012, diễn viên trong phần 1 bộ phim Hồ sơ lửa, cho rằng việc livestream mang sản phẩm của cả tập thể lên internet công khai khi bộ phim vẫn còn đang trình chiếu ở các rạp phim là thiếu tôn trọng hay nói cách khác là tàn nhẫn đối với công sức, mồ hôi của cả tập thể tạo nên sản phẩm đó... Đó là đối với những người làm ra sản phẩm, nhưng hành động này còn ảnh hưởng không tích cực đến cả khán giản.
“Nếu là tôi, tôi chắc chắn sẽ muốn thưởng thức một bộ phim với đầy đủ những tiện nghi và chất lượng như ở các rạp tốt... Khi quay lén chắc chắc bộ phim chẳng thể đảm bảo được hình ảnh, chất lượng vốn có của nó. Và khán giả chẳng thể xem được tổng thể 'đẹp đẽ' nhất của bộ phim... Đó là một mất mát của khán giả yêu phim. Một điều nữa là hành động livestream thiếu ý thức sẽ cổ vũ cho giới trẻ học theo một việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người khác chỉ vì nhu cầu câu like của bản thân. Nên có biện pháp nghiêm khắc cho những hành vi như vậy”, Phan Thị Mơ cho biết.
Livestream tràn lan
Trên Facebook cá nhân của N.V.Tr, bạn trẻ livestream phim Cô Ba Sài Gòn, có thừa nhận câu chuyện này. Tr. cho biết mình có quay, sau đó bị phát hiện, xóa đoạn phim đã quay, xin lỗi, cung cấp thông tin và ra về. Tuy nhiên, Tr. cũng chưa nhận thức được hành vi của mình gây hại nghiêm trọng ra sao. Trong khi đó, với hơn 5.700 người xem miễn phí đoạn livestream phim trong khoảng 30 phút, thiệt hại có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trường Lâm - một bạn trẻ tại TP.HCM - cho biết mình đi xem phim ở rạp thấy chuyện này rất thường xuyên. Lần nào đi xem phim Việt Nam cũng gặp hiện tượng này. Ngay cả nhân viên trong rạp nhiều khi cũng không quyết liệt ngăn chặn nên chuyện livestream vi phạm bản quyền phim vẫn liên tục xảy ra.
Không chỉ các bộ phim chiếu ở rạp bị livestream, giới trẻ còn vi phạm bằng cách livestream hàng loạt tác phẩm ở các lĩnh vực khác.
Trong một buổi biểu diễn bán vé tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô tối 4.2 (mùng 8 Tết Đinh Dậu), nghệ sĩ Xuân Bắc đã tỏ thái độ bức xúc khi một số khán giả vẫn livestream, quay hình chương trình, dù đã được BTC thông báo và nhắc nhở. Vở kịch Tấm Cám (Thành Lộc - Hữu Châu thủ vai) còn bị một khán giả quay bằng điện thoại và đưa lên Facebook từng phần.
Tháng 5.2017, Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) chính thức cho biết đối tác quốc tế của họ đã thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các giải bóng đá UEFA Champion League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) vì vấn đề vi phạm bản quyền. Nguyên nhân sau đó được đưa ra là trong quá trình phát sóng đã vi phạm bản quyền phát sóng do đài này đã bị ăn cắp mà không thể kiểm soát được nên đã bị đơn vị cung cấp tạm thời cắt tín hiệu.
Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi) có thời hạn áp dụng từ ngày 1.1.2018 còn quy định 2 điều luật cho 2 tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm tội xâm phạm quyền tác giả cùng các quyền liên quan và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có cùng hoạt động vi phạm. Theo đó, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (quay phim trong rạp chiếu phim, livestream (phát trực tiếp) bóng đá, phim, vi phạm bản quyền phần mềm) có thể bị xử lý hình sự.
|
Bình luận (0)