(TNO) Hôm nay 5.9, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện ghép tạng cho trẻ em. Bên cạnh những thành tựu đạt được, các bác sĩ cũng nêu ra nhiều bất cập trong chế độ BHYT, nguồn tạng đang gây cản trở cho việc điều trị, khiến nhiều trẻ phải mòn mỏi 'xếp hàng' chờ đến lượt ghép.
|
Nhu cầu cao
Theo bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, ghép thận và ghép gan hiện nay được công nhận như một phương thức điều trị chọn lọc cho trẻ em bị suy thận hoặc suy gan giai đoạn cuối.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 100 trường hợp trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, một nửa trong số đó cần phải ghép gan.
Thống kê riêng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy bệnh lý về gan mật chiếm tỷ lệ 8% trên tổng số bệnh nhi đến khám và nhập viện. Theo đó, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 10 bệnh nhi có nhu cầu ghép gan.
Bên cạnh đó, trong vòng 5 năm qua, cũng có đến hơn 310 trẻ phải nhập viện tại các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Chợ Rẫy với chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối.
Qua 10 năm thực hiện ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đã có 12 ca ghép thận và 8 ca ghép gan được tiến hành. Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiến hành khoảng 20 ca ghép thận và 8 ca ghép gan.
Bác sĩ Định nhận xét: Qua thực tế trên, có thể thấy nhu cầu ghép tạng để cứu sống trẻ em là vô cùng bức thiết. Tuy nhiên, dù các bệnh viện đã rất nỗ lực nhưng số lượng bệnh nhi được ghép tạng còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế do còn vướng nhiều rào cản lớn.
Thiếu nguồn cho tạng, chi phí lớn
Hiện nay, tại Việt Nam, theo bác sĩ Định, điều quan trọng nhất để có thể thực hiện ghép tạng là chúng ta đang thiếu nguồn cho tạng. Các ca ghép tạng chỉ trông chờ vào nguồn cho là chính người thân ruột thịt của bệnh nhân như cha, mẹ.
|
Bên cạnh đó, chi phí cho một ca ghép tạng rất lớn, theo thời điểm hiện nay vào khoảng 300 - 400 triệu đồng/ca ghép cho trẻ. Trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi được hưởng BHYT 100% nhưng người cho tạng lại phải tự chi trả chi phí phẫu thuật cho mình. Vì vậy, gánh nặng tài chính để có thể ghép tạng đối với gia đình vẫn không hề nhỏ, không phải gia đình nào cũng đảm đương nổi.
“Để giải quyết nút thắt này thì việc triển khai ghép tạng cho bệnh nhi từ người cho chết não là một nhu cầu bức thiết, giúp tăng nguồn cung cấp tạng. Từ đó, nhiều bé sẽ có thêm cơ hội sống hơn nữa. Mặt khác, Bảo hiểm y tế nên xem xét khả năng chi trả toàn bộ chi phí cho bệnh nhi và cả người cho tạng”, bác sĩ Định nói.
Ngoài ra, theo các bệnh viện, nguồn nhân lực y bác sĩ tại chỗ có thể thực hiện các ca ghép tạng tại VN vẫn còn thiếu, cần tiếp tục phải hoàn thiện, bổ sung và đào tạo.
Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào tháng 12.2005, do Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, người đặt nền móng cho kỹ thuật ghép tạng tại TP.HCM, thực hiện.
Bệnh nhi được ghép gan là một bé gái tên Lê Ngọc Xuân Quý (ngụ TP.HCM). Bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, đã chuyển sang xơ gan giai đoạn cuối. Người cho gan là mẹ ruột của bé Quý. Sau 9 năm kể từ ngày được ghép gan, hiện bé Quý hoàn toàn khỏe mạnh, đi học, vui đùa như bao trẻ cùng trang lứa khác. Bé vẫn phải uống thuốc chống thải ghép đều đặn. |
Nguyên Mi
>> Phép màu từ những ca ghép tạng
>> 6 giờ, thực hiện thành công 3 ca ghép tạng
>> 6 người được ghép tạng từ một người hiến
>> Ca ghép gan người lớn thứ hai ở phía nam thành công
>> Ghép thận thành công cho bệnh nhi 10 tuổi
>> Thêm cơ hội cho bệnh nhân ghép thận, gan
Bình luận (0)