Trong Tờ trình Ủy ban TVQH về việc xây dựng Nghị định Quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài tại phiên họp chiều qua, sau khi nhận định “tần suất tổ chức lễ kỷ niệm quá dày” thời gian qua, Chính phủ đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc tổ chức các lễ kỷ niệm, các hoạt động lễ lạt mang tính tự phát của nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn cử là “việc mời khách, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới dự lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, ở nhiều nơi, nhiều lúc, không thực hiện đúng Điều 12 Quy định số 60 của Trung ương. Nhiều nơi huy động quá nhiều quần chúng, mời khách, mời lãnh đạo quá đông. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa trong lễ kỷ niệm gây lãng phí, tốn kém, gây sự bất bình trong nhân dân”.
|
Thực trạng này cũng được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chỉ ra trong báo cáo thẩm tra nội dung dự thảo nghị định trình tại phiên họp, đó là “thời gian qua, có hiện tượng một số cơ quan trung ương và địa phương, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, lễ đón nhận phần thưởng nhà nước có biểu hiện phô trương, hình thức, gây lãng phí về thời gian, tiền của. Thời gian tổ chức không chỉ vào năm tròn, năm chẵn, mà cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua thiếu lành mạnh. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa, mời khách thiếu thống nhất, lộn xộn, rườm rà, không đúng tinh thần trang trọng, tiết kiệm... Một số hoạt động kỷ niệm không những không mang lại tác động tích cực mà còn gây dư luận bất bình trong nhân dân”.
Để khắc phục, Chính phủ đã soạn thảo nghị định này nhằm bổ sung, điều chỉnh lại các quy định đảm bảo trang trọng, văn minh, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả theo hướng giảm tần suất, thời gian, quy mô, cấp độ tổ chức các ngày kỷ niệm.
Theo dự thảo nghị định, các ngày kỷ niệm sẽ được bổ sung gồm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; kỷ niệm ngày sinh của các vị lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; kỷ niệm năm mất của các danh nhân, nhân vật lịch sử của Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước công nhận… Đồng thời, tần suất các ngày kỷ niệm cũng được quy định cụ thể như 10 năm một lần, tổ chức kỷ niệm cấp Nhà nước tại Hà Nội về ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngày Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Quy định này đồng thời được áp dụng với việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Việc mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 4 chức danh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp”, dự thảo nghị định nêu rõ.
Hình thức tổ chức lễ kỷ niệm cũng được quy định chi tiết trong dự thảo nghị định này, như không dùng phù hiệu “nơ”, hoa cài ngực, không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi trong lễ kỷ niệm, trừ trường hợp đã có quy định riêng...
Do nhiều quy định của dự thảo nghị định còn mang tính chất chung chung nên Ủy ban TVQH quyết định tiếp tục xem xét thảo luận nội dung dự thảo nghị định này tại phiên họp tới, sau khi Ban soạn thảo hoàn thiện lại trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ủy viên TVQH.
Nên tổ chức Quốc tang khi xảy ra thảm họa lớn Cũng tại phiên họp chiều 13.8, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc xây dựng Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân. Theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân nên tổ chức dưới hình thức lễ tưởng niệm, đảm bảo tính trang trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phân biệt với hình thức tổ chức Quốc tang đối với cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cách thức tổ chức lễ tưởng niệm nên đơn giản, phù hợp với chủ trương đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương lãng phí… của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45. Do nước ta chưa có tiền lệ tổ chức Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa nghiêm trọng gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân, vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về vấn đề này trong quá trình xây dựng nghị định. |
Chính phủ dẫn số liệu báo cáo thống kê của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vào năm 2009 cho hay: Tổng số ngày kỷ niệm trong nước và quốc tế tại Việt Nam là 428 ngày, trong đó có 120 ngày lễ kỷ niệm trong nước (sự kiện quốc gia; ngày thành lập ngành, ngày thành lập, tái lập tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), 308 ngày lễ kỷ niệm quốc tế (sự kiện quốc tế; ngày quốc khánh các nước). Số liệu này còn chưa bao gồm những hoạt động mang tính chất kỷ niệm diễn ra thường xuyên như kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, kỷ niệm năm chẵn ngày Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế lớn (ASEAN, Liên Hiệp Quốc, APEC, WTO…), các hoạt động giao lưu năm quốc gia, ngày văn hóa các nước tại Việt Nam, kỷ niệm các tổ chức kinh tế, văn hóa… |
Nguyệt Minh
>> Dự thảo học phí chất lượng giáo dục cao
>> Lễ kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng VN
>> Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ diễn ra trong 10 ngày
>> Hoàng tử Andrew dự lễ kỷ niệm 35 năm quan hệ Việt - Anh
>> Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Duẩn (7.4.1907 - 7.4.2007)
>> Tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bình luận (0)