Steam - kênh phân phối game hàng đầu thế giới của Valve - vừa công bố danh sách các trò chơi ăn nên làm ra nhất trong năm 2017, với bốn thứ tự xếp hạng phân loại giảm dần là Platinum, Gold, Sliver và Bronze. Trong đó, hạng mục danh giá Platinum bao gồm 12 tựa game, mỗi trò chơi đều có chiến lược, đối sách kinh doanh hoàn toàn khác nhau để giành được vị trí trên "bảng vàng".
Những "cựu binh" vang bóng
Vốn là những trò chơi "bom tấn" trong quá khứ, Grand Theft Auto V và The Witcher 3: Wild Hunt trình làng lần đầu trên Steam vào năm 2015 và nhanh chóng được niêm yết mức giá cao nhất của kênh bán lẻ này: 59 USD. Dù cực "hot" vào thời điểm ra mắt như thế, nhưng việc hai trò chơi này có thể trụ vững trong danh sách bán chạy tận đến năm 2017 vẫn là một chiến tích rất đáng tự hào.
Trong khi Grand Theft Auto V đã thành công rực rỡ khi biết cách lèo lái chế độ chơi Online với hàng loạt content (nội dung game mới) được cập nhật liên tục, thì The Witcher 3 lại chiến thắng nhờ vận dụng các chiến dịch sale và truyền thông hiệu quả.
eSports giữ vững phong độ
Không quá ngạc nhiên khi hai "gà nhà" của Valve là Dota 2 và CS:GO đều góp mặt trong danh sách game bán chạy, dù một trò chơi là miễn phí, trò còn lại được niêm yết với giá rất rẻ, nhưng chính những lợi nhuận buôn bán in-game - đến từ cộng đồng người chơi khổng lồ - mới chính là "cần câu cơm" của dòng game eSports này.
Ở một diễn biến khác, tựa game eSports vui nhộn Rocket League cũng xuất sắc lọt vào bảng vàng Platinum. Dù khá im hơi lặng tiếng tại Việt Nam, tựa game này lại thành công tại thị trường Âu - Mỹ, đạt số lượng người chơi đáng nể và cũng duy trì tốt hệ thống giải đấu chuyên nghiệp.
Thành công nhờ truyền thông hiệu quả
Trong số các nhà phát triển/phát hành game hàng đầu thế giới hiện nay, Ubisoft là một trong những đơn vị dẫn đầu về cách làm truyền thông, quảng bá sản phẩm, mặc cho thực tế là các tựa game của hãng này không phải lúc nào cũng xuất sắc về chất lượng.
Đó là lý do Ubisoft có đến hai game nằm trong hạng mục Platinum: Rainbow Six: Siege và Ghost Recon: Wildlands. Cả hai đều thành công trong việc quảng bá hình ảnh, với nhiều chiến dịch gây thích thú cho cộng đồng game thủ. Riêng Rainbow Six: Siege nhận được khá nhiều đánh giá tích cực với các gói mở rộng (tất nhiên là có trả phí) ra mắt trong năm 2017.
Cần lưu ý, Steam không phải là nền tảng độc quyền phân phối game của Ubisoft, họ còn sở hữu kênh riêng là Uplay.
Game đồng đội vẫn thành công vượt bậc
Warframe, PUBG, H1Z1, Ark: Survival Evolved đều là những trò chơi đồng đội, nhiều người chơi gây ấn tượng lớn cho cộng đồng game thủ trong năm 2017. Sự thành công này là điều dễ hiểu, và tiếp tục làm rõ thêm xu hướng kiếm tiền "hot" của ngành công nghiệp game đương đại: thêm bạn thêm vui và... thêm tiền.
Dù vậy, phân khúc game này cũng sở hữu tỉ lệ chọi cực kỳ kinh khủng. Đằng sau bốn tựa game được vinh danh là hằng hà sa số những trò chơi đồng đội - lấy số lượng và chất lượng của cộng đồng người chơi làm gốc - phải hứng chịu thất bại, do không quy tụ hoặc tạo được cộng đồng game thủ ổn định.
Chiến thắng lạ lùng nhất
Đó chính là trường hợp của Divinity: Original Sins 2, vốn là hậu bản của một trò chơi RPG (nhập vai) cổ điển, phát triển dựa trên những quy tắc Dungeons & Dragons cực kỳ kén người chơi, nhịp độ game cũng thuộc dạng chậm và hoàn toàn không dành cho những người thiếu kiên nhẫn. Thế nhưng, tựa game này vẫn khép lại một năm kinh doanh thành công mỹ mãn trên Steam.
Không cần phải bàn cãi về chất lượng chuyên môn (Divinity: Original Sins 2 nhận được rất nhiều điểm 10 trên các trang đánh giá game uy tín), chiến thắng của "con cưng" nhà Larian Studios còn cho thấy một tín hiệu đáng vui: trong thời đại mà các nhà làm game đang chạy đua theo những trào lưu hào nhoáng, vẫn có đất diễn cho những sản phẩm "chậm", "chất" như Divinity: Original Sins 2.
Danh sách hoàn chỉnh các hạng mục game bán chạy:
Bình luận (0)