Nhiều bệnh nhân tái nhiễm sốt xuất huyết 2, 3 lần

09/09/2022 04:03 GMT+7

Trong các ca sốt xuất huyết nặng đang nằm viện tại TP.HCM, chủ yếu là bệnh nhi, có rất nhiều trường hợp đã bị sốt xuất huyết lần 2, thậm chí 3 - 4 lần.

Đáng lưu ý, sốt xuất huyết (SXH) tái nhiễm lần 2 rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường diễn tiến nặng hơn lần đầu, vì có thể gây choáng váng, xuất huyết, thậm chí suy tim dẫn đến tử vong.

Trong các trường hợp bệnh nhi mắc SXH hiện nay, đa số phụ huynh còn chưa nhận biết được dấu hiệu và cách xử trí tại nhà do con lần đầu bị SXH. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp trẻ đã mắc đến 3 lần SXH, nhưng khi trẻ biểu hiện sốt, tím tái, chóng mặt, tiểu cầu giảm… phụ huynh vẫn lầm tưởng là cảm sốt thông thường hoặc nhiễm Covid-19, vì nghĩ rằng con đã bị SXH rồi thì sẽ không bị lại.

Lưu ý khi tái nhiễm sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhiễm nhi - Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM), nhiều người hiểu lầm rằng mình bị SXH một lần rồi thì sẽ miễn dịch suốt đời, điều này hoàn toàn sai. Mắc SXH là do vi rút dengue gây ra và có thể tái nhiễm vì loại vi rút này có đến 4 týp là D1, D2, D3 và D4. Khi tái nhiễm, việc chăm sóc và điều trị sẽ cần lưu ý nhiều hơn, người nhà tuyệt đối không tự xử trí và mua thuốc điều trị.

Điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM)

Nhật Thịnh

Bên cạnh đó, bác sĩ Hà lưu ý SXH là bệnh quanh năm và chúng ta thường nghĩ muỗi hay chích vào ban đêm, nhưng thực ra muỗi SXH lại là loại đốt vào ban ngày. Vì vậy, trong các biện pháp phòng chống, việc ngủ mùng vào ban ngày cũng rất quan trọng.

Tái nhiễm SXH thường nặng hơn lần đầu nhưng hiện ngành y tế đã có phác đồ điều trị. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần được theo dõi kỹ hơn, cần được uống thật nhiều nước, ăn uống đầy đủ đúng bữa, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, và tuyệt đối không tự mua thuốc hạ sốt mà không có hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ. Khi sốt đến ngày thứ 2 không khỏi, người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế.

Sai lầm thường gặp khi điều trị tại nhà

Về việc chăm sóc người mắc SXH tại nhà, TS-BS Lê Văn Nhân, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, lưu ý người nhà chủ yếu cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi, bù nước. Tuy nhiên, khi tự chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà, người nhà rất dễ mắc các sai lầm, chẳng hạn như việc dùng thuốc hạ sốt không đúng cách.

Thuốc hạ sốt an toàn cho bệnh nhân mà Bộ Y tế khuyến cáo là Paracetamol. Một số phụ huynh thường tự dùng Aspirin, loại thuốc này nếu dùng cho bệnh nhân SXH hoặc các bệnh nhiễm vi rút nói chung có thể gây tổn hại đến gan và não, dẫn đến bệnh trở nặng, thậm chí tử vong.

Một số phụ huynh còn có quan niệm sai lầm là khi sốt cần ủ ấm con, vì sợ gió lạnh làm bệnh thêm nặng. Tuy nhiên khi ủ ấm, trẻ sẽ có nguy cơ sốt cao hơn dẫn đến co giật.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý quan sát các dấu hiệu trở nặng của trẻ. Chẳng hạn như khi bệnh nhi xuất hiện những mảng SXH mẩn đỏ to trên người, bị chảy máu chân răng, chảy máu mũi hay đi ngoài ra máu…, nhất là khi trẻ bắt đầu đau hạ sườn phải, lơ mơ, li bì, vật vã…, phụ huynh phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, tuyệt đối không chần chừ để trẻ ở nhà tự chăm sóc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.