Chè sạch bắt đầu từ... đất sạch
Gây dựng các mô hình thanh niên liên kết thành những nhóm hộ trồng chè sạch là điểm nhấn của tình nguyện hè năm nay tại tỉnh Thái Nguyên.
Anh Lê Minh Hiếu, Phó ban Thanh niên công nhân, nông thôn và đô thị, Tỉnh đoàn Thái Nguyên, cho biết mô hình kinh tế tập thể sản xuất chè khô được Tỉnh đoàn Thái Nguyên triển khai điểm tại xã Minh Tiến và xã Phú Cường (H.Đại Từ) với mục tiêu làm thay đổi phương thức canh thác, sản xuất khác với truyền thống để sản xuất chè sạch.
Anh Hiếu cho biết muốn trồng và sản xuất chè sạch phải bắt nguồn từ đất sạch. Thanh niên tình nguyện Thái Nguyên đã mời các nhà khoa học tham gia tư vấn để cải tạo toàn bộ 2,5 ha đất bằng kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học để làm sạch và tăng độ phì nhiêu cho đất. Còn phía trên cây chè, Tỉnh đoàn cũng vận động xã hội hóa kinh phí để lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước.
tin liên quan
Thanh niên tình nguyện giúp dân nhiều việc thiết thựcCũng theo anh Hiếu, thực tế khi áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật mới, diện tích trồng chè thí điểm phát triển vượt trội so với khu vực canh tác truyền thống. Dự kiến đến tháng 11 này, các mô hình thí điểm này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên nhưng theo ước tính của nông dân và đánh giá của các nhà khoa học, năng suất sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây.
Tiếp thị dự án tình nguyện qua mạng xã hội
Năm học mới này, giáo viên và trẻ mầm non tại xã Trường mầm non thôn Bản Kim, xã Thanh Kim (H.Sa Pa, Lào Cai) học tập không sợ nước mưa dột ướt, khi toàn bộ các phòng học đã được lợp lại mái tôn mới từ bàn tay, công sức của tình nguyện viên Chi đoàn Lưu học sinh VN đang học tập tại TP.Irkutsk (Nga) tranh thủ thời gian nghỉ hè đến địa phương làm tình nguyện. Đó chỉ là một trong số những công trình tình nguyện thành công của thanh niên Huyện đoàn Sa Pa khi chủ động mang các công trình, phần việc cần giúp đỡ đi tiếp thị, giới thiệu đến cộng đồng.
Mối nhân duyên giữa thanh niên Huyện đoàn Sa Pa và du học sinh VN tại TP.Irkutsk bắt nguồn từ xã hội. Bằng nguồn kinh phí trên 30 triệu đồng tự kêu gọi tài trợ, nhóm du học sinh đã thay mới toàn bộ mái tôn cho các phòng học và xây dựng 3 lò đốt rác thải cho người dân ở các thôn trong xã.
Cũng theo anh Đặng Văn Thắng, bằng cách giới thiệu các địa chỉ với nhu cầu cụ thể cần được hỗ trợ qua mạng xã hội, Huyện đoàn Sa Pa đã kết nối với các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ xây mới 3 sân chơi dành cho thanh thiếu nhi tại các thôn, bản của xã Trung Chải, Nậm Cang với tổng trị giá trên 70 triệu đồng cùng nhiều đồ dùng sách vở hỗ trợ học sinh vùng cao bước vào năm học mới.
Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn: Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động tình nguyện
Ngày 17.9, tại Bắc Ninh, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 5, khóa 11. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã cho ý kiến thảo luận đóng góp vào dự thảo về chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019 với chủ đề Năm thanh niên tình nguyện. Đây là nội dung Ban Thường vụ T.Ư Đoàn xây dựng để trình xin ý kiến của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn.
Chia sẻ tại hội nghị, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, cho rằng tình nguyện trong bối cảnh ngày nay so với trước đây đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là đòi hỏi sự sáng tạo trong phương thức tổ chức, cơ chế vận hành. Thanh niên vẫn có nhu cầu rất lớn để tham gia đồng hành với tổ chức Đoàn trong các hoạt động tình nguyện. Để phong trào tình nguyện tiếp tục phát triển, sức sống mới thì tổ chức Đoàn phải nghiên cứu xem xét ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào cách thức tổ chức, vận hành các hoạt động tình nguyện để tạo sức hấp dẫn và thu hút thanh niên. Đặc biệt, công tác tình nguyện đặt ra những thách thức cần phải đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, giá trị bền vững cho cộng đồng xã hội.
Cùng ngày, hội nghị cũng tập trung thảo luận vào dự thảo các đề án: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội giai đoạn 2018 - 2022; dự thảo khung bộ tiêu chí công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2019 - 2022; dự thảo kết luận về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ Đoàn. Trong ngày hôm nay 18.9, hội nghị tiếp tục thảo luận về nội dung góp ý, bổ sung sửa đổi luật Thanh niên; sơ kết Nghị quyết số 03 ban hành ngày 5.3.2014 của BCH T.Ư Đoàn khóa 10 về phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
P.Hậu
|
Thanh niên tình nguyện đã phát huy được thế mạnh chuyên môn
Các công trình, phần việc của thanh niên tình nguyện hè năm nay đã khắc họa rõ nét dấu ấn sáng tạo, chất trí tuệ.
Các đội hình tình nguyện chuyên chú ý hơn việc phát huy thế mạnh chuyên môn và có sự kết nối của nhiều nhóm đối tượng khác nhau để cho ra một công trình, một sản phẩm hay một đợt hoạt động tình nguyện tương đối bao phủ trên một địa bàn. Người có thế mạnh về nông nghiệp, đã biết kết hợp với y dược, kinh tế… để giải quyết một câu chuyện, một vấn đề của địa phương, tương đối rõ nét trong năm nay. Trên thực tế, 10 đội trí thức trẻ chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa bàn: Thái Nguyên, Đắk Lắk, Bắc Kạn đã phát huy hiệu quả.
Các đội hình tình nguyện chú trọng phát hiện nhu cầu tình nguyện ở từng địa bàn, địa phương gắn với nhu cầu giúp đỡ người dân phát triển kinh tế xã hội.
Cũng từ nhu cầu thực tiễn đặt ra, các đội tình nguyện có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo. Ví dụ mô hình “Con đường bích họa”, dù có từ năm ngoái nhưng trên cơ sở khảo sát xóa điểm đen tập kết rác thải, xây dựng văn minh đô thị, nếu không có cách duy trì thì nó lại trở thành những điểm chân rác, quay trở lại thành xấu xí, bẩn thỉu. Nhưng khi trồng hoa vào đây, sơn lại bức tường ấy thì người dân xung quanh sẽ có ý thức hơn để giữ gìn, nói như vậy để thấy giá trị của công trình có tính bền vững hơn, ý nghĩa hơn. Chất trí tuệ và tinh thần sáng tạo đến từ chính thực tiễn công trình, phần việc tình nguyện mà thực tế cuộc sống, cộng đồng đặt ra cho lực lượng tình nguyện.
Chất trí tuệ và sáng tạo năm nay còn được khắc họa bởi lực lượng du học sinh từ ngoài nước về có nhiều chuyển biến tốt hơn. Có nhóm du học sinh lựa chọn vùng sâu, vùng xa gắn với câu chuyện dạy tiếng Anh, làm sân chơi cho trẻ em; có nhóm tổ chức hoạt động chăm sóc người già. Nhưng cũng có nhóm làm cầu nối đưa các dự án của các tổ chức phi chính phủ thực hiện các công trình nước sạch, phát triển du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hòa Bình); Mộc Châu (Sơn La) hay miền Tây Nam bộ rất hiệu quả.
Nguyễn Anh Tuấn
(Bí thư thường trực T.Ư Đoàn) Phan Hậu (ghi)
|
Bình luận (0)