Nhiều chính sách về đất đai, phát triển năng lượng quốc gia được ra đời

10/01/2019 10:21 GMT+7

Đó là thành quả của Ban Kinh tế Trung ương được công bố từ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 hôm qua ngày 9.1

Tổ chức 24 hội nghị khoa học

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao và các nhiệm vụ khác theo chức năng. Trong đó, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, triển khai 7 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; 3 đề án đã có sản phẩm gửi báo cáo Bộ Chính trị để bố trí họp vào quý 1/2019). Nếu như trong những năm đầu mới tái lập, Ban chưa chính thức được giao chủ trì xây dưng đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận thì từ năm 2016 đến nay, Ban đã được giao chủ trì 14 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; 3 báo cáo trình Ban Bí thư; tham gia phối hợp xây dựng 4 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 1 đề án trình Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thẩm định và tham gia ý kiến. Chỉ riêng năm qua, cơ quan này đã có 127 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến chuyên môn về các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội đã được Ban chú trọng thực hiện và bước đầu đạt được kết quả tốt. Báo cáo kinh tế vĩ mô định kỳ của Ban được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, nhiều sách chuyên khảo, ấn phẩm khoa học của Ban là tài liệu tham khảo được các đồng chí lãnh đạo và các cấp, các ngành rất quan tâm.
Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 24 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học. Trong đó có 4 hội thảo, tọa đàm quốc tế, đã quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn, các xu hướng và triển vọng phát triển, các chủ trương, cơ chế, chính sách về đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội để phục vụ cho công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội.
Một trong những kết quả đáng chú ý trong năm 2018 của Ban Kinh tế Trung ương là việc chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ và một số ban cán sự đảng của bộ, ngành tổ chức thành công 4 diễn đàn, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế được xã hội hết sức quan tâm và đánh giá cao, như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Những nút thắt và động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững”; Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0; Hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

 

Đề xuất tái lập Ban Kinh tế tại địa phương

Bước sang năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác, gồm tham gia xây dựng văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; tham mưu, giúp Bộ Chính trị sơ kết, tổng kết một số chủ trương, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển một số vùng kinh tế và địa phương…
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất được tổ chức định kỳ hằng năm Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Đảng để có thể triển khai nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Đồng thời, Ban cũng đề xuất về chủ trương cho phép một số tỉnh ủy, thành ủy đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án tái lập Ban Kinh tế tại một số địa phương có chọn lọc đi đôi với việc rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng có chức năng tham mưu về kinh tế - xã hội thuộc văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đánh giá cao những kết quả mà Ban Kinh tế Trung ương đạt được trong năm vừa qua. Ngoài các đề án lớn, đơn vị này cũng đã tham mưu Bộ Chính trị một số đề án về phát triển kinh tế địa phương. Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết về phát triển thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Kinh tế Trung ương cũng tích cực tham gia thẩm định các đề án về phát triển Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Ban đã hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với 129 đề án, dự án về xây dựng thể chế và phát triển kinh tế - xã hội. Các ý kiến thẩm định đó được đánh giá có chất lượng, thể hiện rõ quan điểm, thẳng thắn và có trách nhiệm. Đối với nhiều đề án lớn, Ban Kinh tế Trung ương có sự chủ động tham gia ngay từ đầu với các cơ quan chủ dự án, sớm tham gia đóng góp nên ý kiến thẩm định có chất lượng ngày càng tốt hơn...
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhận định: Với kết quả đạt được trong 3 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện đúng vai trò, chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng và xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp quan trọng về kinh tế - xã hội.
Ông Trần Quốc Vượng đề nghị năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ các nhiệm vụ nghiên cứu. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế kinh tế, cải thiện nhanh môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng... Đồng thời là nơi tập hợp trí tuệ, hợp tác của các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ đột xuất, thực sự cần thiết phục vụ xây dựng các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.