Nhiều cổ đông lớn vẫn giao dịch 'chui' cổ phiếu

Mai Phương
Mai Phương
16/03/2019 09:35 GMT+7

Xử phạt liên tục nhưng vẫn không thể ngăn ngừa được hành vi mua bán cổ phiếu “chui” của các cổ đông lớn trên sàn chứng khoán.

Chỉ riêng trong tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt các cổ đông lớn và người có liên quan giao dịch cổ phiếu mà không báo cáo hoặc báo cáo chậm.
Ví dụ quyết định ban hành ngày 14.3 phạt ông Trần Quốc Bình (TP.HCM) 55 triệu đồng khi chậm báo cáo về giao dịch cổ phiếu SVN của Công ty cổ phần Solavina. Ông Trần Quốc Bình đã mua tổng cộng 1,525 triệu cổ phiếu SVN và bán 1,07 triệu cổ phiếu SVN, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu liên tục thay đổi (trở thành cổ đông lớn, tỷ lệ sở hữu thay đổi vượt quá các ngưỡng 1% và không còn là cổ đông lớn) nhưng chậm báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ra quyết định xử phạt bà Kiều Thị Nhung (Hải Dương) 45 triệu đồng do không báo cáo về việc dự kiến mua hơn 1,16 triệu cổ phiếu SCL của Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường trong ngày 24.4.2018. Bà Kiều Thị Nhung là người liên quan với ông Kiều Văn Cường - thành viên Hội đồng quản trị của SCL - thuộc đối tượng bắt buộc phải công bố thông tin trước khi mua hay bán cổ phiếu này.
Hay trường hợp bà Lý Mỹ Hà (Đồng Nai) bị phạt 15 triệu đồng khi không báo cáo dự kiến giao dịch khi mua 20.000 cổ phiếu TMW của Công ty cổ phần Tổng hợp Gỗ Tân Mai. Bà Lý Mỹ Hà hiện là Trưởng ban kiểm soát của TMW…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - việc giám sát kiểm tra của cơ quan quản lý về chứng khoán còn lỏng lẻo. Rất nhiều trường hợp các cá nhân vi phạm trước đó 1 năm mới bị xử phạt. Có thể một vài trường hợp người có liên quan không biết phải công bố thông tin. Vì vậy các sở giao dịch chứng khoán hằng năm nên cung cấp tài liệu nhắc nhở quy định liên quan, đặc biệt cho doanh nghiệp mới niêm yết. Tuy nhiên, việc “phạt nguội” này cho thấy xử lý không nghiêm và mức phạt cũng khá nhẹ. Thậm chí có nhiều trường hợp là thành viên Hội đồng quản trị, thuộc ban điều hành công ty cũng giao dịch “chui” cổ phiếu nhưng chỉ bị xử phạt vài chục triệu đồng.
“Mức phạt chậm, số tiền ít nên hầu như không có tác dụng răn đe. Trước đây từng có kiến nghị nên sử dụng giải pháp điện tử như khóa số lượng cổ phiếu của các đối tượng cần công bố thông tin, nhất là trong ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khi nào các thành viên này công bố giao dịch thì sẽ mở ra. Đồng thời mức xử phạt phải thật nghiêm, đúng người đúng tội mới có thể hạn chế được các vi phạm kiểu này”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.