Phòng gym sống khỏe, phục hồi chức năng bị "giải tán"
Hội nghị triển khai Quyết định 569 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2050" đã được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hôm nay 18.8, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết phục hồi chức năng là một trong những lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh.
Mặc dù nhu cầu phục hồi chức năng là rất lớn, thế nhưng một số địa phương đã sáp nhập phục hồi chức năng với các cơ sở khác. Trong đó, có các địa phương đã sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền; một số bệnh viện sáp nhập khoa phục hồi chức năng vào khoa y học cổ truyền, khiến nhiều đơn vị phục hồi chức năng bị giải tán, làm giảm số lượng bệnh viện, đơn vị phục hồi chức năng, làm người có nhu cầu khó tiếp cận dịch vụ.
Tại cơ sở phục hồi chức năng, nhiều nơi điều kiện còn chật hẹp, khó tiếp cận với người khuyết tật, người bệnh cần được phục hồi chức năng.
Ông Khuê cho rằng, các địa phương cần quan tâm đến công tác phục hồi chức năng, bao gồm tích hợp với các dịch vụ khác như: đường giao thông, nhà vệ sinh công cộng, chỗ lên xuống các phương tiện công cộng... đảm bảo thuận lợi cho người khuyết tật.
"Nhiều phòng gym đồ sộ đang sống khỏe dù chẳng hề có giáo sư, bác sĩ nào hướng dẫn, trong khi đó, chúng ta có cả đội ngũ các bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng thì lại bị sáp nhập, "giải tán", đó là điều cần suy nghĩ", ông Khuê trăn trở.
Gia tăng nhu cầu, nhân lực thiếu hụt
Theo Bộ Y tế, hiện, tỷ lệ nhân viên phục hồi chức năng tại Việt Nam chỉ ở mức 0,25 nhân viên/10.000 dân, thấp hơn so với mức Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo (từ 0,5 - 1 nhân viên/10.000 dân).
Tỷ lệ rất lớn người dân có nhu cầu phục hồi chức năng, ước có 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật; khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Cùng đó, dân số già hóa, mô hình bệnh tật, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tâm thần, đại dịch Covid-19… làm gia tăng số người cần phục hồi chức năng.
Theo khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), từ 2016 - 2020, tại các bệnh viện y học cổ truyền, các kỹ thuật mới về lĩnh vực chuyên khoa y học cổ truyền chiếm 74,2% các kỹ thuật mới triển khai. Trong khi đó, các kỹ thuật về chuyên khoa phục hồi chức năng cũng được ứng dụng nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ (15,8%).
Lĩnh vực y học cổ truyền và phục hồi chức năng có sự khác biệt lớn về lý luận và cách tiếp cận giữa một lĩnh vực y học phương Đông và một lĩnh vực y học hiện đại, việc tổ chức bệnh viện chuyên khoa của 2 lĩnh vực này theo mô hình bệnh viện y học cổ truyền - phục hồi chức năng không tạo ra sự tương hỗ để phát triển chuyên sâu cả 2 lĩnh vực. Do đó, cần xây dựng các bệnh viện y học cổ truyền và bệnh viện phục hồi chức năng theo mô hình độc lập để các bệnh viện phát triển chuyên khoa sâu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong trường hợp chưa thể thành lập 2 bệnh viện chuyên khoa độc lập thì có thể xem xét phát triển theo mô hình thành lập trung tâm y học cổ truyền và phục hồi chức năng tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, để đảm trách công tác chỉ đạo tuyến về phục hồi chức năng trên toàn tỉnh.
Bình luận (0)