“Nhiều con cái của cán bộ giàu một cách bất minh”

09/11/2012 12:50 GMT+7

(TNO) Thảo luận về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay 9.11, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng tham nhũng ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn đe dọa sự tồn vong của chế độ, gây bức xúc cho người dân nhưng cách phòng chống còn yếu kém, lúng túng.

Tham nhũng cả trong cứu trợ, cứu đói

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu lên một sự thật là hiện nay con cái của các cán bộ, kể cả thành niên hay chưa thành niên đang giàu lên một cách bất minh, bất hợp pháp. Điều đáng nói là tuy con cái rất giàu nhưng trong bản kê khai của các cán bộ này có tài sản rất ít.


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): "Tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực" - Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bổ sung: Hiện nay nhiều sinh viên, học sinh mới ra trường nhưng đã được bố mẹ là cán bộ cho khối tài sản hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là phần lớn khối tài sản này chưa rõ nguồn gốc và chưa được kê khai đầy đủ.

Cần có biện pháp đảm bảo quyền, cuộc sống cho người tố cáo tham nhũng. Thực tế hiện nay nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng và người thân bị đe đọa về tính mạng, cuộc sống. Nếu không đảm bảo vấn đề này sẽ rất khó khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng. 

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay, dù Đảng và Nhà nước đã cố gắng phòng chống nhưng tình hình tham nhũng không những không giảm mà ngày càng nhiều. Trước đây tham nhũng chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế thì nay còn xảy ra cả trong giáo dục, y tế…

“Đau xót hơn tham nhũng còn xảy ra trong cứu trợ, cứu đói”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thành Hóa) dẫn chứng theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng của Việt Nam xếp thứ 121/183 quốc gia.

“Chỉ số xếp hạng này là điều đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Trước đây tham nhũng chỉ diễn ra ở các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, đất đai thì nay tồn tại ở bất cứ lĩnh vực nào”, ông Lợi nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết năm 2005, khi góp ý cho luật Phòng, chống tham nhũng, có ý kiến dự báo luật này sẽ thất bại khi quy định chống tham nhũng là nhiệm vụ của cơ quan hành pháp. Điều này chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

"Nếu luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005 làm tốt sẽ không có hiện tượng Vinashin, Vinnalines như bây giờ. Điều đáng nói là kẻ tham nhũng đang nằm ngoài vòng pháp luật còn người tố cáo tham nhũng lại đang trở thành tội đồ. Chỉ có một số vụ mà kẻ tham nhũng hồ đồ mới bị phát hiện", ông Quốc bức xúc 

Công khai tài sản tại nơi cư trú

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho biết báo cáo sơ kết 5 năm của ban phòng chống tham nhũng cho thấy biểu hiện tham nhũng vẫn còn phức tạp, tinh vi.

Hiện phần lớn phát hiện tham nhũng đến từ người dân và nhà báo nhưng dự luật lại đang phần nào hạn chế quyền hạn của nhà báo.

Điều 99 của dự luật này quy định: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng".

Quy định như thế khác nào coi báo chí như cấp dưới của mình và hạn chế vai trò của báo chí trong trong phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Điều đáng nói, theo ông Cư phần lớn nhiều vụ tham nhũng không được phát hiện từ nơi làm việc mà đến từ phát hiện của người dân. Từ đó, ông Cư kiến nghị cần có quy định phải công khai tài sản của cán bộ tại nơi cư trú để nhân dân giám sát.

Ông Cư kiến nghị cần thành lập ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội, có quyền điều tra, khởi tố và báo cáo trực tiếp trước Quốc hội.

Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản của cán bộ vì chức vụ của cán bộ liên tục thay đổi.

“Hôm nay cán bộ này chưa làm chức vụ quản lý, nhưng ngày mai có thể làm quản lý và nắm giữ nhiều quyền hạn, dễ phát sinh tiêu cực”, ông Thường nói.

Tuy nhiên, ông Thường lại không đồng tình với ý kiến thành lập ban phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội.

Theo ông Thường, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng là việc của Chính phủ. “Ở một số nước, ban phòng chống tham nhũng thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống và mô hình này rất hiệu quả. Ở ta, ủy ban phòng chống tham nhũng nên thuộc quyền chủ tịch nước”, đại biểu này viện dẫn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị cần bổ sung hành vi “cố ý làm trái” vào 12 biểu hiện của tham nhũng mà dự án uật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang lấy ý kiến.

Theo ông Thuyền, vừa qua có nhiều hành vi cố ý làm trái như mua tàu, ký ban hành chuyển đổi sử dụng đất… gây thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân nhưng những hành vi này lại không được xem là tham nhũng là chưa hợp lý.

“Hành vi nhận tiền lối lộ của cảnh sát giao thông ngoài đường chỉ là bức xúc nhỏ. Bức xúc lớn nhất, nguy hiểm nhất chính là tham nhũng liên quan đến chính sách”, ông Thuyền bổ sung.

Ngoài ra, ông Thuyền kiến nghị cần tịch thu nếu phát hiện số tài sản mà cán bộ không kê khai và không chứng minh được nguồn gốc.

Khó thu hồi tài sản thất thoát từ tham nhũng

Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng.

Cùng với đó, đã kết luận điều tra 197 vụ, 521 bị can. Hiện đang điều tra 137 vụ, 295 bị can.

Năm 2012, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý tuy có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.

Ngoài ra, hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Trung Hiếu
(tổng hợp)

Đình Quân

>> Phó chánh văn phòng BCĐ Phòng chống tham nhũng Gia Lai tự tử?
>> Buộc tiết lộ nguồn tin sẽ ảnh hưởng xấu đến phòng chống tham nhũng
>> Giao ban phòng chống tham nhũng
>> Tăng thẩm quyền cho cơ quan phòng chống tham nhũng
>> Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí
>> Phòng, chống tham nhũng phải đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả
>> Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng
>> Thường vụ QH thảo luận báo cáo phòng, chống tham nhũng
>> 6 nhiệm vụ trọng tâm của phòng, chống tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.