Cuộc giao lưu giữa nhà thơ, nhà văn, lãnh đạo các sở ban ngành với khán giả được tổ chức tại buổi lễ phát động cuộc thi viết Hào khí miền Đông diễn ra vào sáng nay (ngày 21.7), tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Phải thu hút được nhiều thể loại, với nhiều sắc thái văn hóa, tâm hồn
Tham gia giao lưu tại buổi lễ phát động cuộc thi, nhà thơ Lê Huy Mậu chia sẻ, ông rất vui mừng khi được Báo Thanh Niên mời tham gia ban giám khảo cuộc thi đầy ý nghĩa này. Ông Mậu cho biết ông quê ở Nghệ An, đi bộ đội ở các tỉnh miền Đông, năm 1981 thì về Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là Bà Rịa -Vũng Tàu). Sau đó ông chuyển ngành, về công tác ở Hải quan rồi sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và về hưu thì tham gia Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa-Vũng Tàu.
"Qua thời gian dài, tôi chứng kiến bao sự đổi thay ở vùng đất này. Chúng ta đang ngồi nơi đây (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3-PV), ngày xưa là vùng đất đầm lầy hoang vu, nay đã trở thành KCN hoành tráng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với tôi, miền Đông đã trở thành những vùng đất nghĩa tình, nhiều kỷ niệm gắn bó với truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng", tác giả lời ca khúc Khúc hát sông quê hồi tưởng.
Đề cập về cuộc thi Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên tổ chức, nhà thơ Lê Huy Mậu nhấn mạnh: "Tôi cho rằng phải thu hút được nhiều thể loại, với nhiều sắc thái văn hóa, tâm hồn của người miền Đông. Đây cũng là niềm tự hào của người miền Đông cần được khơi dậy. Và Báo Thanh Niên cũng cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm hơn nữa sau cuộc thi viết này và nêu bật được niềm tự hào, tiềm năng thế mạnh về mọi mặt của vùng đất cách mạng anh dũng này".
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông: Nơi tôn vinh cách làm hay
Còn nhà văn Trần Nhã Thụy nói: "Viết về miền Đông Nam bộ hay các vùng miền khác, khó hay dễ là do người dự thi. Dù chúng ta có mở cuộc thi viết hay không thì bản chất của người Đông Nam bộ đã tồn tại, hào khí có sẵn rồi, như ở các nhân vật Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thị Rịa... Vấn đề là chúng ta phát hiện, tìm ra nhân vật độc đáo hay vấn đề lạ để thực hiện đề tài". Rồi nhà văn gợi ý viết về vùng đất KCN chuyên sâu Phú Mỹ với 3 chữ "vùng hấp dẫn", nơi mà ai cũng phải có ý thức bảo vệ môi trường, đời sống tinh thần còn đơn sơ, mộc mạc, thú vui người ở đây có những gì... hay có thể viết bất kỳ nhân vật nào, có thể là kỹ sư tài năng, hay một người nông dân bình thường đều được.
Góp phần quảng bá bức tranh toàn diện về các tỉnh miền Đông
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, rất tự hào khi Bình Dương nằm trong khu vực Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ một tỉnh thuần nông năm xưa, Bình Dương hôm nay đã vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài luôn đứng trong top đầu. Nói đến Bình Dương, không thể không kể đến những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử: chiến khu Đ, địa đạo Tam Giác Sắt…
"Qua buỗi lễ phát động này, tôi tin chắc rằng cuộc thi sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và người dân Bình Dương. Những bài dự thi đã đăng trên Báo Thanh Niên cũng sẽ được tham gia giải báo chí Nguyễn Văn Tiết của Bình Dương", bà Hạnh nói.
Còn bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai nhận xét: "Cuộc thi Hào khí miền Đông rất có ý nghĩa, nó sẽ tạo được sức lan tỏa lớn những giá trị văn hóa của các tỉnh vùng Đông Nam bộ, lan tỏa những điều tốt, điều hay, sự năng động, sáng tạo trong việc góp phần triển kinh tế vùng miền Đông gian lao mà anh dũng. Tôi cũng mong muốn có nhiều bài viết về tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt là trong thời gian tới có sự phát triển sân bay Long Thành cũng như các dự án trên địa bàn".
Trong khi đó, ông Trương Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, chủ đề cuộc thi rất hay, phù hợp với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. "Đông Nam bộ là cái nôi động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía nam. Trong đó, có Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng đất tiềm năng cả về yếu tố lịch sử cũng như con người. Bên cạnh đó cũng có những yếu tố về thiên nhiên, du lịch, cảng biển cũng như logistics. Hy vọng cuộc thi này hội tụ nhiều cây bút khu vực phía nam cũng như cả nước viết về Đông Nam bộ. Trong thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ truyền thông những bài viết sâu sắc, đặc sắc về tỉnh, về con người, vùng đất, yếu tố lịch sử… tạo sự phấn khởi cho vùng đất Đông Nam bộ", ông Chiến nói.
Còn ông Huỳnh Thái Dương, Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Thuận nói: "Tôi nghĩ cuộc thi viết Hào khí miền Đông mà Báo Thanh Niên phát động thời điểm này rất có ý nghĩa. Nó sẽ giới thiệu với du khách và đặc biệt là quảng bá đến các nhà đầu tư tiềm năng của Bình Thuận. Tôi hi vọng, cuộc thi không chỉ góp phần quảng bá bức tranh toàn diện về các tỉnh miền Đông Nam bộ, với đặc trưng của một vùng đất lịch sử hào hùng "miền Đông gian lao mà anh dũng", mà trong đó sẽ có nhiều bài viết quảng bá về tiềm năng lợi thế và cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời của quê hương Bình Thuận cũng như các tỉnh, thành trong khu vực".
Bình luận (0)