'Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chánh án chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia'

20/03/2023 11:12 GMT+7

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị đại biểu Quốc hội tuân thủ nguyên tắc độc lập của tòa, khi nhiều đại biểu gửi đơn đề nghị chánh án "chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia".

Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng 20.3, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết giải pháp khắc phục tình trạng quan hệ mang tính chất hành chính giữa các cấp tòa án được nêu ra tại Nghị quyết T.Ư 6 khóa XIII về hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

'Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chánh án chỉ đạo vụ này, vụ kia' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú chất vấn Chánh án TAND tối cao sáng 20.3

GIA HÂN

Trả lời đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, độc lập là nguyên tắc căn cốt trong hoạt động của tòa án. Độc lập bao gồm độc lập giữa các cơ quan, giữa các thẩm phán và giữa tòa án cấp trên và cấp dưới.

"Cái này chúng tôi rất là quán triệt", Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh, và cho biết các cấp tòa án đã đưa ra nhiều nguyên tắc đảm bảo nguyên tắc độc lập.

Cụ thể là quy trình phân án ngẫu nhiên, đưa vào máy tính để phân các vụ án cho các thẩm phán như bấm biển số xe. 

"Phương án ngẫu nhiên khắc phục can thiệp hành chính, quan hệ thân quen với nhau; tránh tình trạng đưa các vụ người nhà, thân quen vào xét xử", ông Bình nêu.

Chánh án TAND tối cao cho biết, TAND tối cao cũng thường thường xuyên có kiểm tra việc can thiệp vào công tác xét xử của cấp trên, kể cả các cơ quan vào việc độc lập xét xử của tòa án. 

"Chúng tôi đặt ra quy chế, chánh án TAND các địa phương không can thiệp việc xét xử", ông Bình cho hay.

'Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chánh án chỉ đạo vụ này, vụ kia' - Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20.3

GIA HÂN

Chánh án cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tuân thủ nguyên tắc độc lập xét xử của tòa. Theo ông, nhiều đại biểu Quốc hội có chuyển đơn, trong đó đề nghị chánh án "chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia".

"Chúng tôi nhận đơn của đại biểu Quốc hội cũng chỉ chuyển đơn để giải quyết theo thẩm quyền của tòa án. Nhiều đại biểu trách chánh án vì sao không chỉ đạo nhưng chánh án chỉ đạo thì vi phạm độc lập xét xử của tòa án", Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Nghị quyết số 27 ngày ngày 9.11.2022 của Hội nghị 6 T.Ư khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, yêu cầu: hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử; phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử.

[Trực tiếp] Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3 | VTC Now

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.