Nghĩa Trủng miếu thành… sân bóng
Nghĩa Trủng miếu (ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu, H.Long Hồ) là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, đã được UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công nhận số 3439/QĐ.UBT (ngày 20.12.2000). Di tích gồm 2 phần: ngôi miếu và nghĩa trang. Đây là nơi thờ tự và yên nghỉ của hơn 2.000 nghĩa sĩ vì nước quên thân.
|
Nghĩa Trủng miếu còn được gọi là miếu Âm Nhơn - nghĩa trang đầu tiên ở Vĩnh Long thời kỳ chống Pháp. Ngày ngày 20 tháng 5 năm 1862, thực dân Pháp tấn công Vĩnh Long. Quan quân thành Vĩnh Long chiến đấu anh dũng nhưng không ngăn được sự tấn công của quân Pháp nên đốt các kho tàng dinh thự trong thành và rút đi. Các tử sĩ được đưa về làng Phước Hanh mai táng. Đến năm 1867, thành Vĩnh Long mất vào tay Pháp, nhiều binh lính không chịu quy hàng nên lui ra vùng ngoại thành kháng chiến. Vì vũ khí thô sơ, không chống lại vũ khí tối tân của địch nên nhiều nghĩa quân anh dũng ngã xuống. Nhân dân các nơi tiếp tục chuyển tử sĩ về làng Phước Hanh mai táng rồi lập miếu thờ cúng.
Chỉ mới được công nhận hơn chục năm nay, nhưng nơi đây đã trở thành phế tích. Để đến được Nghĩa Trủng miếu, chúng tôi phải hỏi rất nhiều người, chạy quanh co nhiều đoạn, từ đường đan đến đường đất mới tìm được. Thật bất ngờ, hiện ra trước mắt chúng tôi là… một sân bóng và nơi người dân thả bò rong. Xung quanh là những cây trâm bầu bị chặt phá tả tơi. Nếu không nhìn thấy 2 cây dương cổ thụ vẫn còn đứng sừng sững thì có lẽ chẳng ai nhận ra đây là một di tích.
Ông Đỗ Phước Trinh, người quản lý di tích cho biết diện tích nghĩa trang trước kia là 7.000 m2, nay thu hẹp còn 4.000 m2 vì bị người dân lấn chiếm. Trước đây, 4 góc nghĩa trang có 4 trụ gạch, cao 1,2 m, rộng 0,8 m, nay chỉ còn 2 trụ. Cạnh nghĩa trang hiện còn dấu vết tấm bình phong xây bằng gạch.
Chùa Minh Sư nay còn đâu?
Vạn Huê đường, dân gian thường gọi là chùa Minh Sư, đã tồn tại trên 80 năm ở làng Tân An, Q.Châu Thành, Vĩnh Long (nay thuộc P.2, TP.Vĩnh Long). Từ buổi sơ khai thành lập Đảng, trải qua 2 cuộc kháng chiến, Vạn Huê đường là cơ sở cách mạng trung kiên, là di tích lịch sử quý giá của tỉnh.
|
Theo gia phả của dòng họ Ngô và điếu văn truy điệu bà Ngô Thị Hạnh, Vạn Huê đường thuộc đạo Minh Sư. Ông Ngô Văn Hóa lập Vạn Huê đường và mời người của phái Minh Sư về giảng đạo cho 2 người em gái thứ tám, thứ chín của mình. Năm 1922, người cháu gọi ông Ngô Văn Hóa bằng bác, là bà Ngô Thị Hạnh (quê ở Nha Mân, Sa Đéc; sinh năm Nhâm Dần, mất ngày 1 tháng 12 năm Ất Sửu) đến Vạn Huê đường tu. Năm 1927, ông Đinh Văn Lối (Bảy Lối) người gốc Gò Công, đến tu hành và đã tạo cơ sở cho ông Nguyễn Văn Côn (Chín Côn) xây dựng tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Lão sư Bảy Lối tu bổ ngôi chùa này và biến thành nơi hoạt động cách mạng. Đến năm 1944, lão sư Đinh Văn Lối bị địch bắt đày đi ở Côn Đảo, còn bà Ngô Thị Hạnh phải lánh đi nơi khác.
Sau Cách mạng Tháng Tám, bà Ngô Thị Hạnh trở về tu hành và tiếp tục nuôi chứa cán bộ. Trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân, ông Mười Sương dẫn một cánh quân của tiểu đoàn 306 tấn công ra phường 2, chính bà Ngô Thị Hạnh cho ém quân tại ngôi chùa này… Người trong gia tộc họ Ngô kể rằng sau khi bà Hạnh qua đời (năm 1986) thì ngôi chùa cũng đổ theo.
Chùa Minh Sư hiện giờ là bãi đất hoang. Chúng tôi không thể tìm ra mộ bà Ngô Thị Hạnh trong rừng cỏ mọc lút đầu người. Người dẫn đường chỉ cho chúng tôi xem dấu vết của ngôi chùa còn lưu dấu lại qua những chân cột bằng xi măng. Những tảng đá hình vuông đang nằm ngổn ngang dưới bụi cỏ, gốc cây.
Mong rằng, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long sớm có sự đầu tư, tôn tạo để những di tích này xứng tầm với ý nghĩa của nó, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho người dân Vĩnh Long.
Thanh Đức
>> Di tích đang thành phế tích
>> Nhiều phát hiện mới tại di tích thành Hoàng Đế
>> Thăm di tích trên đảo Lý Sơn
>> ĐBSCL có 2 di tích quốc gia được xếp hạng đặc biệt
>> Viếng di tích vua Mai
>> Lập dự án bảo tồn di tích Chăm Phong Lệ
Bình luận (0)