Hà Nội xây dựng kịch bản thu dung, điều trị F0
Hà Nội đã cho phép cách ly F1 tại nhà (trừ 4 quận nội thành), nhưng đại diện trung tâm y tế một số quận, huyện cho rằng việc triển khai trong thực tế rất phức tạp.
Liên quan đến kịch bản thu dung, điều trị F0, UBND TP.Hà Nội vừa có phương án 263. Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới tăng cao. Tính từ ngày 11.10 - 15.11, Hà Nội ghi nhận 2.723 ca mắc (trung bình 73,5 ca/ngày), trong đó 806 ca cộng đồng. Hiện Hà Nội có 7 bệnh viện (BV) đang điều trị người bệnh Covid-19 với mức độ vừa, nặng, nguy kịch (1.000 giường), 2 cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhẹ, không triệu chứng (1.600 giường). Đáng chú ý, theo thống kê từ ngày 11.10 - 7.11, các cơ sở điều trị tiếp nhận 919 người bệnh, trong đó 702 người đã tiêm vắc xin (465 người tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ người đã tiêm vắc xin diễn biến nặng (2%) thấp hơn nhiều so với chưa tiêm (4,6%). Theo phân loại điều trị mô hình tháp 3 tầng như hướng dẫn của Bộ Y tế, dự kiến tại Hà Nội sẽ có 2% người bệnh nặng nguy kịch, 6% người bệnh mức độ vừa và 92% người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
TP cũng xây dựng kịch bản thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tương ứng 3 giai đoạn: giai đoạn 1 với 10.000 ca mắc; giai đoạn 2 với 40.000 ca mắc và giai đoạn 3 với 100.000 ca mắc.
Covid-19 sáng 26.11: Cả nước 1.168.228 ca nhiễm | F0 còn tiếp tục cao trong những ngày tới |
Cách ly F1 tại nhà ở P.Quang Trung, Q.Hà Đông, Hà Nội |
V.H |
Thêm nhiều tỉnh điều trị F0 tại nhà
Ngày 25.11, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã kích hoạt hoạt động 24 cơ sở điều trị Covid-19 trên toàn địa bàn do số ca mắc mới mỗi ngày liên tục tăng cao (khoảng hơn 500 ca/ngày). Trong khi đó, các cơ sở điều trị bệnh tầng 1 và tầng 2 trong tỉnh đều đã đạt công suất hơn 80%, có nơi hơn 100%... Cùng ngày, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai điều trị F0 tại nhà. Trong thời gian này, trạm y tế (TYT) lưu động sẽ thực hiện công tác theo dõi, điều trị cho F0; TYT tuyến xã hướng dẫn cho gia đình F0 trang bị một số trang thiết bị y tế như: máy tạo ô xy khí trời, bình ô xy nhỏ, máy đo SpO2, máy đo huyết áp, trang phục phòng hộ cá nhân; đồng thời cấp cho F0 túi thuốc cấp cứu, điều trị Covid-19 đủ dùng trong thời gian cách ly tại nhà.
Tại Lâm Đồng, ngày 25.11, Sở Y tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh ghi nhận thêm 151 bệnh nhân (BN) Covid-19, nâng tổng số BN từ đầu dịch đến nay lên 2.481 ca, trong đó đã xuất viện 652 trường hợp, 8 ca tử vong. BS Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, thông tin do số BN Covid-19 gia tăng nên tỉnh đã và đang kích hoạt thêm một số khu điều trị với gần 3.000 giường bệnh. Tỉnh Lâm Đồng đang có phương án cho các F0 không triệu chứng điều trị tại nhà để giảm áp lực cho các BV. BV Nhi Lâm Đồng từ giữa tháng 8.2021 ngưng tiếp nhận BN thông thường để chuyển thành BV điều trị Covid-19 của tỉnh với quy mô 300 giường. Tại H.Đơn Dương, do số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, nên huyện phải lập thêm khu điều trị ở trường dân tộc nội trú. Chỉ sau 4 ngày, cơ sở này đã tiếp nhận 67 BN.
Số ca mắc Covid-19 cũng liên tục tăng cao tại Đắk Lắk. Theo Sở Y tế Đắk Lắk, đến ngày 25.11, tỉnh này có 7.266 ca mắc, trong đó 40 ca tử vong. Số ca mắc trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao trong 2 tháng qua; đặc biệt trong tháng 11 ghi nhận khoảng 700 ca/tuần. Sở Y tế Đắk Lắk dự báo đỉnh dịch ở tỉnh này có thể vào nửa đầu tháng 12; số ca bệnh tích lũy có thể lên đến từ 8.000 - 10.000 người. Hiện toàn tỉnh đã bao phủ vắc xin mũi 1 đạt trên 90% dân số, nhưng số lượng tiêm mũi 2 mới chỉ đạt dưới 50%. Để ứng phó, Đắk Lắk đã thành lập thêm BV dã chiến, nâng số cơ sở điều trị F0 trên địa bàn lên 7 cơ sở với công suất 3.722 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng; triển khai kế hoạch điều trị tại nhà đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ngành y tế Đắk Lắk đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ một trạm sản xuất ô xy với lượng cung ứng mỗi ngày 50 bình (bình 40 kg); đồng thời huy động từ nhiều nguồn hơn 1.000 bình ô xy, đủ cung ứng cho các TYT. Bộ Y tế cũng đã cấp cho tỉnh hơn 2.500 liều thuốc điều trị kháng vi rút, có thể giúp các ca F0 điều trị tại nhà được tiếp cận thuốc ngay từ đầu để giảm thiểu biến chứng, tử vong.
TP.HCM được phân bổ 120.000 viên thuốc Favipiravir để điều trị Covid-19 |
TP.HCM không tái lập các chốt kiểm soát kiểm tra
di biến động dân cư
Chiều 25.11, tại buổi họp báo định kỳ, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết 3 ngày qua số F0 có dấu hiệu gia tăng, phổ biến ở ngưỡng trên 1.500 ca, dự kiến số F0 có xu hướng tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Về gói thuốc C điều trị BN Covid-19, bà Mai cho biết Sở Y tế đã nhận được văn bản phản hồi của Bộ Y tế, trong đó có nội dung sẽ cung cấp khoảng 120.000 viên thuốc Favipiravir (có tên khác là Avigan) do Nhật Bản sản xuất, cũng là một loại thuốc kháng vi rút có thể bổ trợ cho F0.
Cũng tại buổi họp báo, giải đáp thắc mắc việc TP.HCM có tái lập chốt kiểm soát để kiểm tra di biến động dân cư hay không, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu (Công an TP.HCM), khẳng định Công an TP.HCM không có phương án tái lập các chốt kiểm soát để kiểm tra di biến động dân cư như trước đây. Theo đó, việc quản lý di biến động dân cư hiện nay được hiểu là nắm chắc hộ, nắm chắc người, quản lý chặt chẽ số người thường trú, tạm trú và lưu trú tại địa bàn. Việc này trước hết để phục vụ rà soát và cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân, thông báo cấp mã số định danh cá nhân, cập nhật và làm sạch dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra còn giúp quản lý các gia đình có F0, theo dõi việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch, số người về địa phương như công nhân để tổ chức tiêm ngừa vắc xin. Theo thượng tá Hà, Công an TP.HCM chưa nhận được chủ trương tái lập lại chốt kiểm soát dịch, đồng thời cho biết nếu tái lập chốt kiểm soát thì đây là biện pháp cuối cùng.
Sỹ Đông
Bình luận (0)