Qua thi đua, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều mô hình có sức lan tỏa trong xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 9 diễn tại Hà Nội sáng nay 7.12.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại ĐH Thi đua yêu nước sáng nay - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đánh giá những kết quả đạt được trong phong trào thi đua trong thời gian qua rất to lớn, Tổng bí thư cho biết: “5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Tiêu biểu trong số đó là phong trào thi đua lao động giỏi; dạy tốt học tốt; thi đua quyết thắng; phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới... Qua các phong trào thi đua xuất hiện nhiều tấm gương, tiêu biểu của điển hình trong lao động sản xuất; có hàng vạn đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình có sức lan tỏa trong xã hội”.
Tổng bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đó là phong trào thi đua tuy sâu rộng, nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều liên tục, nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Một số phong trào tác dụng, hiệu quả lan tỏa chưa cao. Công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, chậm phát hiện cá nhân và việc nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều.
“Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc rút kinh nghiệm và có những biện pháp tích cực khắc phục những hạn chế khuyết điểm này”, Tổng bí thư đề nghị.
Lấy thi đua là tiêu chí đánh giá cán bộ
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9 - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Để làm được điều đó, theo Tổng bí thư, cần lấy công tác thi đua là tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý, công tác thi đua gắn với công việc mỗi ngày, như lời Bác Hồ dạy. Tổng bí thư cho rằng, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần gắn với phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức tổ chức, tránh sự nhàm chán tẻ nhạt.
Trong số 2.000 đại biểu dự ĐH có nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm kết quả thi đua khen thưởng. Đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua, phát triển và nhân rộng các điển hình tiên tiến để các điển hình có sức lan tỏa lớn trong xã hội”.
Thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc ĐH, thay mặt Hội đồng khen thưởng T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đến dự Đại hội thi đua lần này có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ.
Trong số 2.000 đại biểu tham dự có 1.800 đại biểu chính thức, có 167 đại biểu là đại diện tập thể và các cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 101 đại biểu là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.394 đại biểu là đại diện tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…
|
Bình luận (0)