Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2023 rất khó khăn
Sáng 22.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, những tháng đầu năm, trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, song tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.
Tuy nhiên, ông Thanh nhìn nhận, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý 4/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nhiều vấn đề, như việc tăng trưởng GDP quý 1 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. "Điều này cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% là rất khó khăn", ông Thanh nêu.
Ông Thanh cũng phản ánh tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, một số "điểm nghẽn" chưa được tháo gỡ hiệu quả như việc phê duyệt các quy hoạch, cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.
Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện nhưng ước tỷ lệ giải ngân 4 tháng mới đạt 14,66% kế hoạch, tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm, theo ông Thanh.
Bất cập nội tại nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nêu rõ, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm ) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng, kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cùng đó, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền; nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
"Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn, nhất là quý 3 dự kiến có khoảng 104.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới", ông Thanh nêu.
Ông Thanh cũng phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông; thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối hợp chưa kịp thời, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu có những bất cập.
"Cùng đó, việc tăng giá điện gần đây cũng gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp, trong khi cơ cấu giá mua - bán điện bất hợp lý là vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết", ông Thanh nói.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm.
Cùng đó, ông Thanh phản ánh tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở T.Ư và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc, chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.
"Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế; làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục", ông Thanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)