Nhiều doanh nghiệp còn 'né' chuyển đổi số

Mai Phương
Mai Phương
24/09/2020 11:55 GMT+7

Sáng 24.9, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố.

Đây là hoạt động triển khai cụ thể Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3.7 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM. Chương trình gồm các hoạt động chính như thành lập Ban chuyên trách Chuyển đổi số; Thành lập Trung tâm đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Xây dựng Cổng thông tin tiếp nhận đa kênh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Xây dựng gói giải pháp chuyển đổi số (Service Catalogue).
Dịp này, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng ký hợp tác với Hội Tin học TP.HCM để cùng thực hiện chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nay vẫn có nhiều nhận thức khác nhau về chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp. Vẫn có nhiều đơn vị còn tâm lý lo sợ, né tránh hoặc chưa thực hiện. Mục tiêu của hiệp hội là từ nay đến giữa năm 2021, làm sao để các công ty hiểu đúng, nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số để có kế hoạch hành động phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Ban chuyên trách chuyển đổi số cũng sẽ tập trung vào công tác tư vấn, giới thiệu nguồn lực, đối tác tin cậy để những doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp cận nhanh và thực hiện hoạt động chuyển đổi số, thích ứng và phát triển hơn trong thời đại công nghiệp 4.0.
Theo mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030, thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; TP.HCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử. Và đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu; giảm 40% thủ tục hành chính; TP. HCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.