Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 15.11.
Người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh tin giả qua trang tingia.gov.vn do Trung tâm xử lý tin giả quản lý |
Mai Hà |
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), trước vấn nạn tin giả gây ra nhiều mối nguy hại, tháng 4.20211, đúng lúc cao điểm về chống dịch Covid-19, đơn vị này đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả.
Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến qua trang web https://tingia.gov.vn. Sau khi phân loại xử lý, trung tâm đã đóng dấu tin giả 50 tin vì có những phản ánh không phải tin giả, mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chuyển đến những nơi khác để xử lý. Ngoài ra, Cục còn phối hợp với Viettel có tổng đài điện thoại 1800.8108 để tiếp nhận những phản ánh của người dân.
Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ: “Với con số khoảng 5.000 tin giả được gửi đến trong hơn 1 năm, không phải là nhiều, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh thông tin để người dân biết được Trung tâm này. Đồng thời, ở các địa phương, Bộ TT-TT cũng đề nghị tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân qua Sở TT-TT hoặc Văn phòng UBND tỉnh. Thông tin từ địa bàn địa phương quản lý sẽ dễ xác minh và xử lý hơn”.
Bên cạnh thông tin phản ánh của người dân, ông Lê Quang Tự Do cho hay đơn vị này cũng thường xuyên phản ánh tin giả từ doanh nghiệp, tổ chức, rồi trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí. Ngoài gửi phản ánh qua trung tâm tin giả, các doanh nghiệp còn gửi trực tiếp công văn, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo. Mặc dù số lượng rất lớn, nhưng đều được cơ quan chức năng xử lý.
Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội, tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa nguy hại. Tin giả xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia.
Trong phạm vi nhỏ hơn là quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân, tin giả cũng mang lại sức công phá khủng khiếp. Nhiều doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản hoặc lao đao do tin đồn thất thiệt.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam), cho rằng tin giả không phải bây giờ mới có, song nay do truyền thông xã hội mạng khuếch đại lên với muôn hình vạn trạng. Dù là tin giả nhưng hậu quả lại là thật. Một chủ doanh nghiệp chỉ cần có thông tin bị bắt, ốm là cả doanh nghiệp đã “lãnh” đủ.
Không chỉ doanh nghiệp chịu hậu quả của nạn tin giả mà cả đối tác cũng phải gánh chịu. Đa phần là do thiếu thông tin, trong khi nguồn phát tin giả chỉ có cơ quan có chức năng mới biết chứ với doanh nghiệp là khó.
Với những doanh nghiệp khi gặp tin giả, tin đồn, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho hay: có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm tin giả. Khi có những vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý theo hướng ưu tiên.
“Hiện nay, Cục cũng có tài khoản, fanpage trên Facebook để tiếp nhận, Cục cũng có mạng lưới với các tỉnh thành, các bộ, ngành để mà tiếp nhận và xử lý tin giả.Trong thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu kết hợp Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage”.
Bình luận (0)