Từ bao giờ có bài điếm thì những cụ cao niên nhất vùng cũng không nhớ nổi. Chỉ biết cứ dịp nửa đầu tháng chạp hàng năm là thanh niên trai tráng đến những cô gái tuổi đôi mươi ở vùng biển huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lại rủ nhau lập hội điếm (nhà lều, nhà chòi) chơi bài ở đình làng. Lâu đời, bài điếm đã trở thành nét văn hóa riêng không thể thiếu ở nơi đây.
Thú chơi độc nhất vô nhị
Chơi bài điếm là dùng cỗ bài tam cúc 32 cây. Tổ điếm thường được dựng bằng các cây tre có sẵn ở vùng bãi cát ven biển kết thành hình vuông rộng chừng một gian nhà, mái lợp bằng tấm vải lớn màu sắc rực rỡ, cổng vào kết hình con vật bằng lá dừa, thêm 4 cái trống da bò cho 4 người chơi là đủ công cụ một hội điếm. Thời gian chơi thường từ 7 giờ sáng đến 23 giờ mỗi ngày.
Bắt đầu chơi, hai người hát hay giao giỏi trong làng được chọn ra để hát đối đáp ứng theo từng cây bài có nội dung hát khác nhau. Sau khi bắt cái, sẽ giao: “Cái ơi điểm trống xong rồi/ Giao thừa pháo nổ lên thời một cây”. Khi đánh bao nhiêu cây thì gõ bấy nhiêu tiếng trống. Bài được giữ kín cho đến lúc giao xong mới trình ra cho cả hội điếm xem.
|
Nếu người chơi ra đôi mã đen thì sẽ giao bằng câu: “Đường trường ngựa nhảy cát tung/ Đường về quê mẹ ung dung mấy ngày”. Nếu đôi mã đỏ ra bắt lại đôi mã đen thì sẽ đối lại bằng câu: "Đường trường ngựa nhảy cát bay/ Chót yêu nhau phải hẹn ngày hôm nay”. Hay cây pháo đen ra thì giao: "Em ơi khói lửa biên thùy/ Gác tình duyên lại lên đường cùng anh”. Nếu bị pháp đỏ bắt, người giao bài đáp lại bằng câu: "Anh ơi hải đảo là nhà/ Trùng khơi biên giới vẫn là quê hương”...
Một cây bài thắng được tính bằng một thẻ (thẻ được vót từ tre, dài bằng chiếc đũa) để tính điểm, kết thúc hội điếm (bằng 4 ván bài) ai được nhiều thẻ là người thắng cuộc, và được thưởng kẹo lạc, bánh, hoa quả… lấy làm khích lệ.
Bà Lê Thị Vân (65 tuổi, ngụ tại thôn 1, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) đã hơn 30 năm kinh nghiệm giao bài điếm cho biết, lớn lên đã thấy có bài điếm. "Cứ dịp tết đến xuân về là các liền anh liền chị lại tổ chức lập hội điếm, chơi bài. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác không ai dạy ai, cứ đến tuổi cập kê, trai mười tám gái đôi mươi là ra chơi hội điếm. Cũng từ đó nhiều cặp giao sau này thành vợ chồng", bà Vân nói.
Tình yêu đôi lứa, yêu quê hương Tổ quốc
Chơi bài điếm là hình thức sinh hoạt cộng đồng thuần tính chất giải trí, chứ không có yếu tố "cờ bạc ăn thua". Chính tiếng hát vận của người giao bài đã tạo nên không khí nhộn nhịp, tươi vui khi mỗi mùa xuân đến. Mỗi tiếng trống, câu hát vang lên tô đậm thêm cho ngày xuân, thời khắc để trăm hoa đua nở, bén duyên tình yêu đôi lứa.
Cũng không ai đếm hết được có bao nhiêu câu hát, câu giao từ bài điếm, mỗi năm lại có thêm những câu giao mới, hợp với xã hội, cuộc sống, giáo dục con người những đức tính tốt, hướng đến các giá trị về chân - thiện - mỹ. Không khí lễ hội, mùa xuân cũng được hiện diện qua các câu giao “mùa xuân hoa mận, hoa đào, có anh tốt đỏ ra chào mùa xuân”.
|
Những câu hát có nội dung rất gần gũi cuộc sống, thể hiện tình cảm, khát khao của người dân vùng biển. Trai gái để ý nhau sẽ giao những câu như: "Tuổi em mười tám đương vừa/ Trăng vừa tròn nguyệt anh ơi vội gì; Thương em lắm lắm em ơi/ Thương em thương cả cuộc đời của em"...
Người giao bài điếm thường vận những câu trong Truyện Kiều thành câu hát. Tỷ như: "Đường trường ngựa chạy cát bay/ Ta về quê mẹ mấy ngày hỡi anh; Đôi ta như lửa mới nhen/ Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu” - ứng với đôi tốt đen. Hay nhắc nhở khéo người đàn ông: “Chàng đừng phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng”…
Đặc biệt, tình yêu Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ cũng thể hiện trong bài điếm như các câu: "Biển Đông sóng vỗ rì rầm/ Bây giờ đến lượt tốt thâm canh phòng; Mắt nhìn như ánh sao xa/ Ngày đêm canh giữ quê nhà yên vui”. Hay cây sĩ đỏ ứng với người phi công của quân đội ta thời chiến: “Tàu bay, bay tít trên mây/ Không quân trẻ tuổi là cây sĩ điều”. Sức mạnh tập thể trong chiến tranh qua 3 cây bài, “Ba ta xe - pháo - mã đào/ Lập công ở tận chiến hào miền Nam”; hoặc “Tướng đi, sĩ tượng đi cùng/ Xông pha mặt trận thành công trở về”.
Còn nơi hậu phương, những người phụ nữ đảm đang được liên tưởng với cây tướng bà: “Em là con gái tỉnh Thanh/ Tiếp lương, tải đạn thay anh diệt thù”, lời đáp lại của người con trai sẽ là: “Đứng trên núi Ngọc anh thề/ Đánh thắng giặc Mỹ sẽ về cùng em”... Để cổ vũ tinh thần lao động hăng say như: “Đem xe đi chở lúa vàng/ Xe anh đi truớc, xe nàng theo sau”.
|
Ông Phạm Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết, bài điếm là nét văn hóa rất riêng ở các xã ven biển huyện Hoằng Hóa. Là sân chơi lành mạnh, nhiều ý nghĩa và thiết thực ngày tết ở đây. Những năm qua chính quyền luôn tạo điều kiện để bài điếm được tổ chức, lưu giữ những nét đẹp.
Còn chị Phạm Thị Lệ (45 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) cho biết, bản thân từng có "thâm niên" giai bài điếm hơn 20 năm trong làng. "Hồi con gái cũng nhờ có duyên trong giao bài điếm mà vợ chồng tôi nên duyên. Mỗi khi Tết đến được hát giao bài, được thể hiện hết những mong muốn qua lời giao bài là tôi lại cảm thấy rất thoải mái, thêm yêu cuộc sống", chị Lệ nói.
Hội bài điếm thường kết thúc vào ngày mùng 6 Tết.
tin liên quan
Tết của những điều dưỡng rửa mặt, chải răng cho người bệnh“Anh trai tôi bị tai biến liệt, việc vệ sinh cá nhân không tự chủ được. Hằng ngày, các điều dưỡng đã giúp đỡ rất nhiều. Ngày tết cũng như ngày thường, vẫn luôn chu đáo”.
Bình luận (0)