Nhiều đơn vị ngoài công lập chiếm top đầu trong bảng xếp hạng RePEc Việt Nam

19/01/2018 12:53 GMT+7

Theo bảng xếp hạng RePEc Việt Nam được công bố gần đây, trong 6 cái tên đầu tiên thuộc top 25% tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam thì có đến 4 đơn vị nghiên cứu ngoài công lập.

Dẫn dầu top 25% tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam là Viện Nghiên cứu phát triển Mekong. 5 đơn vị tiếp theo lần lượt là Trường đại học ngoại thương, khoa kinh doanh và quản trị thuộc Đại học RMIT Việt Nam, Viện Chính sách công và quản lý của Trường đại học Kinh tế quốc dân, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR thuộc Trường đại học Thành Tây, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển Depocen. Trong 6 đơn vị này, Trường đại học Ngoại thương, Viện Chính sách công và quản lý của Trường đại học kinh tế quốc dân là 2 đơn vị công lập, 4 đơn vị còn lại là ngoài công lập.
Để có mặt trong top trên của bảng xếp hạng này, các đơn vị phải đạt các tiêu chí xét chọn nghiêm ngặt như số lượng bài báo khoa học, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng…
Với kết quả trên, xếp hạng của Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR của Trường đại học Thành Tây được xem là một cú “lội ngược dòng” khi từ vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng vào đầu năm 2017 lên vị trí thứ 5 chưa đầy một năm sau đó. Thứ hạng này còn xếp trên một số trường đại học kinh tế thuộc các đại học lớn như: Trường đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường đại học kinh tế - Đại học Huế…
Bang-xep-hang-co-quan-nghien-cuu-kinh-te-hang-dau
Danh sách hàng đầu 25% tác giả nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam Ảnh Quý Hiên chụp màn hình
Với bảng xếp hạng dành cho tác giả - các kinh tế gia, các gương mặt quen thuộc của ngành kinh tế vẫn tiếp tục giữ các vị trí dẫn đầu như: TS Nguyễn Việt Cường (người cũng theo RePEc, lọt vào top 5% nhà kinh tế ảnh hưởng nhất thế giới), TS Nguyễn Thu Thuỷ (Phó hiệu trưởng Đại học ngoại thương), TS Võ Xuân Vinh (thành viên Hội đồng ngành kinh tế, Quỹ NAFOSTED), TS Nguyễn Ngọc Anh (Giám đốc DEPOCEN), TS Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR.
Được biết, tại Việt Nam, bảng xếp hạng này có sự tham gia của 89 tác giả nghiên cứu và 41 tổ chức trong lĩnh vực kinh tế học.
Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là một dự án được khởi động từ năm 1997, do Ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis tài trợ, với sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan. RePec lưu trữ hơn 1 triệu bản thảo khoa học bao gồm ấn phẩm nghiên cứu, bài báo khoa học, sách, chương sách về các lĩnh vực liên quan đến kinh tế.
Dựa vào các đơn vị có đăng ký vào cơ sở dữ liệu, RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới. Ngoài việc công bố các xếp hạng tác giả, hàng tháng RePEc còn công bố các xếp hạng theo đơn vị nghiên cứu. Về phạm vi xếp hạng, ngoài bảng xếp hạng tổng thể toàn thế giới, RePEc còn có các xếp hạng theo khu vực, quốc gia, giới tính, độ tuổi …
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.