Nhiều giao dịch nước ngoài gặp khó dưới thời Tổng thống Donald Trump

03/04/2018 11:29 GMT+7

Washington đang tìm kiếm các biện pháp thắt chặt hơn nữa khả năng tiếp cận của các công ty nước ngoài đối với công nghệ nhạy cảm hoặc dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ.

Điều này được thể hiện rõ qua những bước điều tra kỹ lưỡng trong thời gian gần đây của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một ủy ban liên ngành thuộc Bộ Tài chính Mỹ có nhiệm vụ duyệt xét những đề nghị chuyển nhượng của các nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh ở Mỹ.
“Họ đang xem xét nhiều thỏa thuận hơn bao giờ hết”, Anne Salladin, luật sư tại Stroock & Strook & Lavan, đồng thời cũng là cựu cố vấn của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Mặc dù CFIUS không công khai tất cả thương vụ mà họ đang kiểm duyệt, nhưng những người theo dõi hoạt động của CFIUS lưu ý rằng ủy ban này chú ý nhiều đến hai loại giao dịch, đó là những thương vụ liên quan đến các sản phẩm công nghệ nhất định như chất bán dẫn và những loại thương vụ có liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc.
Washington ngày càng coi lĩnh vực công nghệ cao là nơi mà Mỹ cần phải tiến lên phía trước để tránh bị ảnh hưởng bởi các nước bên ngoài. Mỹ gần đây cũng đã xác định Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất đến an ninh quốc gia.
Theo một báo cáo tháng 1.2018 của Rhodium Group, công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, một số lượng kỷ lục các giao dịch của Trung Quốc đã bị trì hoãn hoặc “bỏ rơi” trong năm 2017 do các bên không nhận được sự đồng ý của CFIUS.
Báo cáo cho biết CFIUS “dường như đã mở rộng phương pháp tiếp cận để xem xét các giao dịch của Trung Quốc” và đang nỗ lực để có quyền điều tra một số thương vụ công nghệ nhất định, cũng như các giao dịch gây quan ngại đến vấn đề bảo vệ dữ liệu. Những lo lắng này xuất hiện rõ rệt hơn khi CFIUS không chấp nhận đề xuất gói thầu trị giá 117 tỉ USD của Broadcom để mua lại Qualcomm. Ủy ban cho rằng nếu hai nhà sản xuất chip sáp nhập, Mỹ sẽ thua Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ 5G.
“Thống trị mạng 5G nghiêng về Trung Quốc sẽ để lại những hậu quả đáng kể về an ninh quốc gia đối với Mỹ”, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ viết.
Song, theo ông Brian Fleming, luật sư của Miller & Chevalier, người từng làm việc trong bộ phận an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, sự can thiệp của CFIUS là “rất, rất bất thường”. Cơ quan này trước đây thường không can thiệp vào những thỏa thuận chưa nhận được kết luận cuối cùng từ phía nội bộ các công ty. Mặc dù Qualcomm đã bác bỏ đề nghị ban đầu của Broadcom, nhưng sau đó lại mở ra các cuộc thương lượng khác. Vào thời điểm chính phủ ông Trump ngăn chặn thương vụ đình đám này, Qualcomm vẫn đang cân nhắc liệu có nên đồng ý với đề xuất mua lại của Broadcom.
Qualcomm - Broadcom không phải là trường hợp sáp nhập thất bại duy nhất trong năm nay dưới sự giám sát của CFIUS. Tháng 1.2018, đề nghị mua lại Moneygram từ phía Ant Financial, công ty tài chính con của Alibaba Group, cũng không được CFIUS “bật đèn xanh”. Nhìn chung, các công ty nước ngoài, cho dù có hay không có mối quan hệ với Trung Quốc, bây giờ e ngại CFIUS nhiều hơn so với cách đây vài năm.
Daniel Rosen, đối tác của Rhodium Group, nói rằng chính phủ Mỹ cần phải thông báo những thay đổi của mình để không làm nguội tinh thần của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc Washington cần phải làm bây giờ là nêu rõ ra những quy tắc thương mại mới là gì. Một nền kinh tế năng động cũng đóng vài trò quan trọng với an ninh quốc gia không kém việc bảo vệ các lĩnh vực kinh tế chủ chốt”, ông Rosen nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.