Giáo dục gắn với đời sống, sản xuất và cả… kinh doanh
Tại Cần Thơ, rất nhiều trường THCS và THPT đang thực hiện mô hình giáo dục gắn với đời sống, sản xuất và cả… kinh doanh. Do vậy, cách kiểm tra, đánh giá, chấm điểm thường xuyên đối với học sinh (HS) không thể chỉ là bài làm trên giấy như lâu nay.
Trường THPT Lưu Hữu Phước (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) có vườn để HS thực hành trồng rau sạch, ứng dụng các bài học liên quan một số môn học như công nghệ, sinh học…
Vườn rau được giao cho các lớp tự quản và phân chia từng luống cho mỗi lớp. Tổ bộ môn sinh học và công nghệ của trường xây dựng kế hoạch dạy học gắn với sản xuất; hướng dẫn HS gắn các bài tập với quá trình trồng rau như chọn giống, gieo hạt, ủ phân… đến thu hoạch và rao bán sản phẩm thế nào. Cô Hồ Thị Ngọc Diệu, Tổ trưởng tổ sinh học của trường, cho biết hình thức kiểm tra đánh giá với HS từ vài năm nay dựa trên sản phẩm của chính các em.
Tại Trường THCS Thới Lai (H.Thới Lai, Cần Thơ) có mô hình “Trường học - công viên - trải nghiệm” giúp HS tham gia các hoạt động trải nghiệm, thực hành, gồm công viên sinh học, vườn địa lý, lịch sử, khu trải nghiệm sáng tạo, khu hội họa - âm nhạc, khu lao động sản xuất, khu trò chơi dân gian… Nên hiện nay nhiều giờ học diễn ra ở vườn cây, sân trường hoặc các khu di tích lịch sử, văn hóa.
Hiệu trưởng Trường THCS Thới Lai Phạm Văn Lục cho biết: “Khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, chúng tôi khuyến khích các tổ bộ môn đưa ngoài khuôn viên lớp học khoảng 1/3 số tiết dạy để các em được thực hành. Áp dụng được nhiều nhất là các môn sinh học, mỹ thuật, lịch sử, địa lý và cả văn học”.
Chính vì vậy, thầy Lục khẳng định đổi mới kiểm tra, đánh giá HS phải đồng bộ với cách dạy học trải nghiệm. Không thể chỉ tính điểm bài học kiểm tra trên giấy mà phải ghi nhận qua các sản phẩm thực hành, sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tế… của HS.
Tương tự, tại Trường THPT Trung An (Cần Thơ) cũng đang áp dụng một loạt mô hình gắn học tập với sản xuất kinh doanh do chính HS nghiên cứu, thực hiện dựa trên kiến thức trong chương trình THPT hiện hành như: sản xuất cà phê chồn sinh học, hoa bắp cải trồng chậu, thiết bị làm giá đỗ… và bán sản phẩm lấy tiền làm quỹ và hoạt động thiện nguyện cho chính HS khó khăn trong và ngoài trường…
Băn khoăn với đánh giá bằng nhận xét
Một trong những thay đổi lớn nhất trong Thông tư 26 về kiểm tra, đánh giá với HS THCS và THPT của Bộ GD-ĐT là kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và chấm điểm. Không ít giáo viên (GV) và nhà trường đang tỏ ra khá băn khoăn về quy định mới này.
Cô giáo Lê Ngọc Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, cho biết GV có một số thắc mắc cần được Bộ hướng dẫn kỹ hơn xung quanh đánh giá HS bằng nhận xét. Ví dụ, về mặt kỹ thuật, sổ ghi điểm theo cách thiết kế xưa nay chỉ có cột để điền điểm số, không có phần nào dành cho GV viết nhận xét vào. Về cách thức triển khai, GV cũng lúng túng với chủ trương nhận xét thế nào để phát huy tính tích cực của HS. Hơn nữa, có một số môn một GV phải dạy rất nhiều lớp (có GV phải dạy tới cả 1/2 số lớp của cả trường), do vậy, nếu tháng nào cũng phải viết nhận xét cho 600 - 700 HS thì không thể thực hiện được.
Thầy Phạm Văn Lục cũng cho rằng nếu nhận xét cho tất cả HS, viết nhận xét với từng em, thì sẽ có nhiều GV khó thực hiện được khi dạy quá nhiều lớp. Do vậy, tinh thần là chỉ nên yêu cầu nhận xét, đánh giá với những HS có đặc điểm, tiến bộ vượt trội hoặc HS cần phải quan tâm nhiều hơn với môn học nào đó để HS chú trọng phát huy năng lực hoặc khắc phục điểm yếu của mình.
Xung quanh những băn khoăn này, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết: “Tôi đã chỉ đạo giáo dục tiểu học và trung học của Sở làm việc với nhau để có sự đồng bộ trong chỉ đạo. Vừa tập huấn, hướng dẫn vừa đả thông tư tưởng của GV và cán bộ quản lý khi thực hiện theo thông tư mới”.
Theo bà Thắm, việc đa dạng trong hình thức đánh giá là rất quan trọng vì với những trường như ở Cần Thơ lâu nay đã thực hiện dạy học gắn với thực hành, trải nghiệm thì rất trông chờ Bộ thay đổi cách kiểm tra đánh giá như tinh thần của Thông tư 26. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục lắng nghe, đối diện với những băn khoăn của từng nhà trường, GV để đưa ra giải pháp phù hợp.
Không phải giáo viên viết nhiều mới là nhận xét
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đã dự giờ một tiết học thực tế và có cuộc trao đổi với lãnh đạo của tất cả trường THCS và THPT của Cần Thơ về những đổi mới của giáo dục trung học áp dụng từ năm học này, trong đó có đổi mới về kiểm tra, đánh giá.
Với việc đánh giá bằng nhận xét sẽ được kết hợp áp dụng trong thời gian tới, ông Thành nhấn mạnh Bộ sẽ không yêu cầu phải sửa hoặc thay đổi mẫu sổ ghi điểm và học bạ hiện hành chỉ để ghi nhận xét của GV. Quan trọng không phải là “bình chứa” mà là GV gửi gắm gì với HS trong mỗi nhận xét của mình. GV có thể nhận xét bằng viết ra giấy với HS này và nhận xét bằng lời nói trực tiếp với HS khác, tùy đối tượng và mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, cũng không phải tất cả đánh giá bằng nhận xét đều do GV trực tiếp thực hiện mà trong quá trình dạy học trải nghiệm, làm việc học tập theo nhóm, GV có thể để cho HS viết nhận xét lẫn nhau. Dựa trên quan sát của GV và nhận xét, phản biện của chính HS, GV sẽ công nhận và “chấm” nhận xét ấy hay không.
Ông Thành cũng cho hay để thuận lợi cho việc áp dụng Thông tư 26 ở cơ sở, sắp tới Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về những thay đổi trong kiểm tra, đánh giá, có đề minh họa cho cách ra đề kiểm tra dựa trên ma trận, đặc tả.
|
Bình luận (0)