Nhiều hạn chế thi hành án liên quan đến ngân hàng, tổ chức tín dụng

18/04/2017 06:58 GMT+7

Ngày 17.4, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi hành án trong 6 tháng qua.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 1.10.2016 - 31.3.2017, tổng số vụ việc và số tiền phải thi hành trên toàn quốc, liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng rất lớn, gồm: 18.800 việc, tương ứng số tiền trên 76.000 tỉ đồng, nhưng số việc còn tồn đọng chưa thi hành xong vẫn chiếm đa số, còn trên 17.000 việc, với số tiền gần 65.500 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, tổng số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm 3,25% số việc, nhưng chiếm tới 55,8% số tiền phải thi hành trên toàn quốc. Theo thống kê, 5 ngân hàng đang có số việc, số tiền phải thi hành án chiếm số lượng lớn. Cụ thể, Agribank gần 4.000 việc tương ứng số tiền phải thi hành trên 17.000 tỉ đồng; VietinBank 1.239 việc, tương ứng số tiền phải thi hành gần 7.200 tỉ đồng; BIDV có 1.608 việc, tương ứng số tiền phải thi hành trên 5.660 tỉ đồng; Techcombank 1.236 việc, tương ứng số tiền phải thi hành trên 5.400 tỉ đồng; Vietcombank có 561 việc, tương ứng số tiền phải thi hành gần 4.200 tỉ đồng.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cho rằng việc thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng gặp hàng loạt khó khăn, hạn chế. Trong nhiều vụ việc, do phía tổ chức tín dụng ngân hàng xác định tài sản cầm cố, thế chấp không chính xác về ranh giới, vị trí, thẩm định giá cao hơn thực tế trong quá trình lập hồ sơ cho vay, dẫn đến hậu quả không xử lý được tài sản thế chấp.

tin liên quan

Ngân hàng 'đau khổ' đi đòi nợ
'Là chủ nợ nhưng quyền chủ nợ của ngân hàng gần như không có. Vì vậy, đi đòi nợ khách hàng vô cùng khó khăn và đau khổ'.

Quá trình thẩm định, cho vay, một số trường hợp ngân hàng không thực hiện đúng quy định, quy trình, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc một số tài sản được thế chấp cho nhiều nơi.
Có trường hợp ngân hàng không có tài sản đảm bảo, hoặc chỉ nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất: “Đến giai đoạn thi hành án, khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị giải tỏa đền bù, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của chấp hành viên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.