Nhiều hãng công nghệ đổi chiến lược vì thương chiến Mỹ - Trung

Thu Thảo
Thu Thảo
14/06/2019 21:40 GMT+7

Không ít nhà cung ứng công nghệ cao phải thay đổi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh thiếu chắc chắn gây ra bởi căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, nhiều năm qua, nhà cung ứng công nghệ hình ảnh kỹ thuật số Altek Corp dựa vào nhiều đợt trình diễn công nghệ riêng để thu hút khách hàng từ Trung Quốc. Song giờ đây hãng phải tham gia thêm nhiều triển lãm thương mại để tìm đơn hàng mới, sau khi khách hàng lớn là Huawei Technologies mắc kẹt trong thương chiến Mỹ - Trung.
Nicole Chen, Giám đốc Altek, cho hay: “Mọi thứ hoàn hảo trước quý 3/2018 song bây giờ số đơn hàng giảm còn một nửa”. Bà Chen vừa tham gia triển lãm CES Asia 2019 ở Thượng Hải (Trung Quốc) để tìm thêm khách hàng cho công ty. Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, thuê Altek sản xuất bộ xử lý tín hiệu hình ảnh cho thiết bị cầm tay camera kép.
Theo bà Chen, Altek phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh vì số lô hàng smartphone xuất xưởng của Huawei giảm đi và hãng này cũng dần tự phát triển chip. Altek phải trông cậy vào khách hàng smartphone mới như Samsung Electronics và Vivo. Ngoài ra, hãng còn tham gia vào thị trường công nghệ giám sát Trung Quốc với máy ảnh hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và hệ thống nhận dạng khuôn mặt.
“Chúng tôi muốn cuộc chiến thương mại kết thúc sớm nhất có thể nhưng nó thật khó đoán trước. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là phân tán rủi ro và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh”, bà Chen chia sẻ.
Căng thẳng Mỹ - Trung lên cao hơn sau khi Washington đưa Huawei và 68 chi nhánh không ở Mỹ của hãng này vào danh sách đen thương mại hôm 16.5, cho rằng Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Động thái hạn chế khả năng mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung ứng công nghệ cao của Huawei. Cũng trong tháng trước, đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc kết thúc mà không có thỏa thuận nào.
Gian hàng của Altek tại CES Asia 2019 Ảnh: Bloomberg
Vì lệnh cấm của Mỹ, hãng thiết kế chip thuộc sở hữu của HiSilicon, dự kiến cung ứng chất bán dẫn thay thế cho hàng nhập từ Qualcomm, Intel. Huawei cố thúc đẩy sản xuất bộ chip Kirin và tung hệ điều hành Hongmeng để thay thế cho Android của Google. Ngoài ra, hãng còn trữ sẵn số phần cứng quan trọng đủ dùng cho gần một năm.
Bất chấp nỗ lực lớn, Huawei vẫn khó lòng vượt Samsung trở thành hãng smartphone bán chạy nhất thế giới vào năm 2020. Shao Yang, Giám đốc chiến lược kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho hay hiện có 500 triệu người dùng thiết bị của Huawei trên toàn cầu, song mục tiêu trở thành hãng smartphone số một vẫn mất nhiều thời gian để đạt được.
Ngoài Altek, Foxconn Technology là một trong các hãng phải thay đổi hoạt động kinh doanh vì thương chiến Mỹ - Trung. Foxconn gần đây ngừng một số dây chuyền sản xuất smartphone Huawei vì công ty Trung Quốc giảm đơn đặt hàng.
Một số hãng công nghệ tuyên bố chưa bị ảnh hưởng bởi thương chiến song sẵn sàng tăng giá nếu căng thẳng leo thang với thuế quan cao hơn áp lên nhiều loại sản phẩm. Đơn cử, hãng tự động hóa công nghiệp Keenon Robotics ở Thượng Hải đang theo dõi sát tình hình và tăng giá bán sản phẩm một khi thuế quan được áp dụng.
Những thay đổi khác trong chiến lược kinh doanh có thể tinh tế hơn vì sự thiếu chắc chắn phức tạp hóa tâm lý thị trường cho các thương hiệu trong và ngoài nước. Shi Shen, đại diện bán hàng một hãng nhà thông minh, nhận thấy nhu cầu thiết bị gia dụng trên hệ thống Apple Home của họ giảm đi. “Người tiêu dùng ngần ngại chọn nền tảng Apple vì chiến tranh thương mại. Họ có xu hướng sát cánh với các hãng nội vì công ty trong nước như Huawei cũng phát triển hệ thống nhà thông minh riêng”, bà Shen nói.
Tuy vậy một số công ty vẫn lạc quan. Cao Zhiqun, Tổng giám đốc hãng sản xuất camera giám sát Zhongxin Era, cho biết Mỹ vẫn là một trong các thị trường lớn ở nước ngoài và doanh nghiệp đã chuẩn bị tăng giá một chút khi thuế quan bắt đầu tác động chuỗi cung ứng. Hiện Washington đang cân nhắc đưa nhiều hãng giám sát Trung Quốc như Hangzhou Hikvision Digital Technology, Zhejiang Dahua Technology và Megvii vào danh sách đen thương mại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.