Nhiều hãng công nghệ lớn Trung Quốc đón thêm khó khăn trong năm sau

Thu Thảo
Thu Thảo
18/11/2018 16:00 GMT+7

Hãng tin Bloomberg nhận định năm 2018 gập ghềnh với các "nhà vô địch" công nghệ Đại lục có thể chỉ là màn khởi động cho hàng loạt thách thức phía trước.

Có vài lúc ngắn ngủi, Tencent và các hãng công nghệ lớn còn lại của Trung Quốc dường như đi theo được thành công của các hãng ở Thung lũng Silicon. Song mọi chuyện sau đó xấu đi nhanh chóng.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ và định giá quá cao là hai trong số nhiều yếu tố thể hiện rằng các hãng công nghệ lớn Trung Quốc có thể còn đoạn đường dài gập ghềnh phía trước. Giờ đây, khi làn sóng gọi vốn khủng bắt đầu tan và Bắc Kinh thắt chặt kiểm duyệt, ngành công nghệ Trung Quốc có thể còn đón thêm không ít khó khăn. Dưới đây là cụ thể tình hình năm doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc trong năm nay, có thể dự báo ít nhiều cho tình hình năm sau. 
Tencent Holdings
Vốn hóa Tencent giảm đều từ đầu năm đến nay Ảnh: Bloomberg
Một thời là “nhà vô địch quốc gia” Trung Quốc nhưng hãng mạng xã hội lớn mất khoảng 38% giá trị thị trường, tương đương 220 tỉ USD, từ tháng 1. Việc giới quản lý Đại lục thắt chặt kiểm soát mảng video game, nguồn doanh thu chính của Tencent, do lo ngại về tình trạng nghiện game ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Quá trình phê duyệt trò chơi mới kết thúc từ cuối tháng 10. Tencent và nhiều nhà phát hành game khác gặp khó vì không thể tung trò mới thúc đẩy doanh thu.
Huawei Technologies
Sáu hãng có doanh số smartphone hàng đầu thế giới Ảnh: Bloomberg
Có lẽ không công ty nào bị ám chỉ là mối đe dọa thương mại nhiều hơn Huawei, hãng tin Bloomberg viết. Từng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông bình thường, Huawei giờ đây soán ngôi doanh số smartphone của Apple và nỗ lực dẫn đầu trong cuộc đua thế hệ mạng di động thứ 5 (5G). Công ty sẵn sàng thách thức một số nhà sản xuất chip lớn nhất Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chặn thương vụ sáp nhập giữa Qualcomm và Broadcom, vốn có thể là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay, vì lo ngại trao cho Trung Quốc quyền dẫn đầu mảng 5G. Huawei cũng bị cấm bán thiết bị tại Úc, có một hợp đồng ở Hàn Quốc bị đóng băng và còn đối mặt sự cạnh tranh do Mỹ dẫn đầu, ngay cả ở Papua New Guinea.
Alibaba Group
Vốn hóa Alibaba từ tháng 1 đến nay Ảnh: Bloomberg
Biểu tượng thành công internet lớn khác của Trung Quốc mất 14% giá trị thị trường trong năm 2018, tương đương 60 tỉ USD. Đầu tháng này, hãng hạ dự báo tình hình kinh doanh cho phần còn lại của năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động lên chi tiêu của tầng lớp trung lưu Đại lục. “Bạn có thể đổ lỗi cho ông Donald Trump”, đối tác sáng lập Mitchell Green của Lead Edge Capital Management, hãng đầu tư vào Alibaba, cho hay.
[VIDEO] Jack Ma: Chiến tranh thương mại là điều "ngu xuẩn nhất thế giới"
Xiaomi Corp.
Giá cổ phiếu Xiaomi từ thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Ảnh: Bloomberg
Hãng smartphone lớn này có lúc được cho là trị giá 100 tỉ USD, song lên sàn với giá chỉ bằng nửa con số trên khi căng thẳng Washington - Bắc Kinh lên cao. Từ đó, hoạt động tại thị trường nội địa của Xiaomi đặt ra nhiều nghi vấn về kế hoạch mở rộng ở Ấn Độ, nơi giờ có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn so với cách đây một năm. Cổ phiếu Xiaomi hạ 22% từ hồi IPO.
ZTE Corp.
Giá trị thị trường ZTE sụt mạnh sau lệnh cấm từ Mỹ Ảnh: Bloomberg
Nhà sản xuất thiết bị mạng và smartphone dự kiến lỗ 1 tỉ USD trong năm nay, sau khi Bộ Thương mại Mỹ có thời gian ngắn cấm hãng mua bộ phận từ các nhà cung ứng Mỹ. Trước đó, ZTE bán hàng cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và nói dối về việc này. Theo điều kiện để được dỡ bỏ lệnh cấm, ZTE phải sa thải dàn lãnh đạo hàng đầu, nộp phạt nặng. Vốn hóa doanh nghiệp giờ chỉ còn chưa đến một nửa so với hồi đầu năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.