Ở huyện vùng cao Đakrông (Quảng Trị) việc học trò bị nhầm lẫn tên tuổi, ngày tháng năm sinh rất phổ biến, chủ yếu thông tin trong giấy khai sinh gốc hoặc sổ hộ khẩu đều có sai lệch với giấy khai sinh kẹp trong học bạ.
Có hơn 1/3 số em học sinh ở Trường THCS Đakrông sai thông tin về tên tuổi
- Ảnh: N.P |
Đụng đâu sai đó
|
Theo thầy Thanh, qua khảo sát có 2 sai sót chủ yếu khi đối chiếu giấy khai sinh của học sinh đang lưu trong học bạ với giấy khai sinh gốc hoặc sổ hộ khẩu đó là sai tên (chủ yếu là sai dấu: ví dụ Pha thì thành Phà...) và sai ngày tháng năm sinh. “Sai dấu là bởi vì cách phát âm của đồng bào thường rất nặng nên khi ghi tên gì cũng dễ thêm dấu huyền. Trong khi việc sai tuổi có thể dẫn đến những tình huống trớ trêu như em lại lớn tuổi hơn cả chị. Cái sai này là sai từ dưới bậc mầm non, tiểu học sai lên”, thầy Thanh thở dài. Để minh chứng, thầy Thanh đưa ra 5 bộ học bạ cho PV xem thì đã có 4 bộ có những thông tin sai sót. Nhiều lỗi không thể chấp nhận được như: không có số, không có chữ ký, ý kiến của cán bộ tư pháp xã thậm chí có cái còn không có dấu đỏ của UBND xã...
Ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng ngoài lý do khách quan, chính cách làm đại khái, chạy theo thành tích của các giáo viên và cán bộ xã thế hệ trước đã gây nên những nhầm lẫn tai hại này. “Thời đó, vì bệnh thành tích, phổ cập tiểu học phải đúng độ tuổi nhưng học sinh vùng cao thường đi học muộn, có em 9, 10 tuổi mới vào lớp 1. Nên thay vì sử dụng bản sao của giấy khai sinh gốc thì nhà trường lại làm 1 giấy khai sinh khác, nhờ cán bộ xã đóng dấu để khai sụt tuổi của các em học sinh, để khớp với tuổi nhập học theo quy định là 6 tuổi. Và tờ giấy khai sinh mới này sẽ được kẹp vào học bạ, đi theo các em suốt các cấp học”, ông Chạy nói.
Hệ lụy kéo dài
Cả thầy Thanh và ông Chạy đều cảnh báo rằng những sai sót như nêu trên sẽ để lại hệ lụy khôn lường, nếu không xử lý mà càng để về sau thì hậu quả gây ra càng lớn. Hệ lụy rõ ràng và trước mắt nhất, theo thầy Thanh chính là việc các em sẽ bị các trường THPT “trả về” vì thông tin học sinh đối chiếu với sổ hộ khẩu không trùng khớp. Liên quan đến việc cấp phát gạo theo nghị định của Chính phủ đối với con em đồng bào vùng cao, hộ nghèo các em cũng sẽ khó tiếp cận vì thông tin trong sổ hộ nghèo khác với thông tin ở nhà trường đưa ra (việc cấp phát hỗ trợ này hiện đã giao cho các trường học trực tiếp làm). “Vì thông tin trong học bạ sai nên bằng cấp của các em cũng sẽ sai. Trong khi những tấm bằng này sẽ theo các em suốt cuộc đời. Sai tuổi, sau này các em đi làm việc, tính tuổi hưu cũng vướng, hoặc giả có phạm luật hình sự cũng “khó tính” vì có tới 2 căn cứ về tuổi”, thầy Thanh phân bua. Để sớm khắc phục, thầy Thanh cho hay đã báo cáo sự việc lên Phòng GD-ĐT H.Đakrông và khảo sát lại các sai sót của học sinh toàn trường. “Số liệu chúng tôi đã có, em nào sai cái gì cũng đã biết, giờ chỉ chờ hướng chỉ đạo của trên phải sữa như thế nào nữa thôi”, thầy Thanh cho hay.
Trong khi đó, ông Chạy cho hay, thời gian gần đây xã liên tục phải giải quyết các đơn xin điều chỉnh ngày tháng năm sinh trong học bạ cho các em học sinh. “Việc làm từng cái như thế sẽ không giải quyết được vấn đề. Chúng tôi từng mời bên Công an huyện lên phúc tra cả tháng trời mà vẫn chưa giải quyết xong nữa là...”, ông Chạy nhấn mạnh. Theo vị chủ tịch xã này thì đối với thông tin trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, hộ tịch tại tàng thư của UBND xã là rất khó để thay đổi, còn đối với học bạ thì dễ hơn. “Cái này ngành giáo dục phải chủ động báo cáo với lãnh đạo huyện để có chủ trương kiểm tra toàn diện hồ sơ rồi điều chỉnh học bạ cho các em học sinh theo hướng ghi lại đúng các thông tin tên tuổi như trong giấy khai sinh gốc có trong tàng thư của UBND xã”, ông Chạy nói.
Đáng lo rằng, cả ông Chạy và thầy Thanh đều cho rằng tình trạng “bát nháo” tên tuổi học sinh không chỉ xảy ra ở xã Đakrông mà hầu hết các địa phương trong H.Đakrông. Số học sinh rơi vào các trường hợp này có thể tính tới hàng ngàn em...
Bình luận (0)