Nhiều kẽ hở trong tuyển dụng giáo viên

24/11/2015 07:07 GMT+7

Câu chuyện một tài xế taxi nói với Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rằng muốn xin làm giáo viên phải lo lót cả trăm triệu đồng đăng trên Báo Thanh Niên ra đúng ngày 20.11 năm nay không phải là trường hợp cá biệt.

Câu chuyện một tài xế taxi nói với Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rằng muốn xin làm giáo viên phải lo lót cả trăm triệu đồng đăng trên Báo Thanh Niên ra đúng ngày 20.11 năm nay không phải là trường hợp cá biệt.

Có được một chỗ dạy ở trường công không phải là chuyện dễ (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc ThạchCó được một chỗ dạy ở trường công không phải là chuyện dễ (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Việc lùm xùm xung quanh nghi vấn tiêu cực trong tuyển dụng biên chế nói chung và giáo viên nói riêng, năm nào cũng có ở đâu đó.
Mới đây nhất là nghi án chạy biên chế giáo viên mầm non ở H.Sóc Sơn, Hà Nội với mỗi suất lên đến hàng trăm triệu đồng được báo chí phản ánh... Đằng sau những câu chuyện ấy vẫn là nỗi lo ngại về quy trình tuyển dụng giáo viên hiện nay.
Nơi sử dụng không được quyền tuyển dụng
Việc “ngầm” hiểu phải chạy biên chế để làm giáo viên ở trường công lập càng khiến người ta tin vào tính xác thực của nó khi mà những người giỏi thực sự vẫn cứ trượt trong các kỳ thi tuyển dụng viên chức.
Dư luận vẫn chưa quên những câu chuyện “lạ tai” về việc thi tuyển viên chức ở Hà Nội. Một thạc sĩ vật lý tốt nghiệp ở Pháp, đang giảng dạy hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, là thầy của nhiều học sinh được giải trong kỳ thi trong nước, khu vực và quốc tế nhưng lại trượt trong kỳ thi tuyển công chức của thành phố năm 2014. Hiệu trưởng trường này cho biết đang rất cần một vị trí là giáo viên giỏi như vậy để vừa dẫn dắt đội tuyển, vừa giảng dạy môn vật lý bằng tiếng Anh cho học sinh chuyên. Tuy trượt viên chức nhưng thạc sĩ này lại được một trường THPT ngoài công lập mời sang làm hiệu phó đồng thời vẫn ký hợp đồng để giảng dạy tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Sự việc này cho thấy một bất cập rất rõ trong quy trình thi tuyển viên chức, trong đó người sử dụng lao động không có vai trò gì trong việc tuyển dụng lao động cho đơn vị mình.
Nói về điều này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương từng chia sẻ với báo chí: "Việc tuyển dụng không nói lên điều gì khi mà thực tế sử dụng cán bộ, người quản lý trực tiếp mới là người hiểu rõ công chức đó thực sự có năng lực hay không, lại không có quyền được tuyển dụng. Tôi nghĩ thủ trưởng là người biết rõ điều đó, nên phải tạo cho người ta cơ chế để tuyển dụng dễ dàng hơn và sa thải cũng dễ dàng hơn".
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, cũng chỉ ra rằng, từ lâu nay công tác tuyển dụng, phân bổ giáo viên ở nước ta chứa đựng sự khập khiễng và bất cập. Điều này thể hiện rõ nhất chính là công tác tuyển dụng giáo viên, nhà giáo mà lại do cơ quan nội vụ tuyển. “Việc tuyển giáo viên là để phục vụ cho ngành giáo dục thì phải để ngành giáo dục tuyển dụng, vì họ cần bao nhiêu, cơ cấu giáo viên ra sao họ mới tuyển trúng và đúng được”, Giáo sư Hạc nói.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: "Nếu như người học ở Anh, Pháp về mà bị trượt thì có mấy vấn đề phải xem lại: một là bằng đó có đúng thực chất không, hai là có tiêu cực trong thi cử không, ba là tiêu chí thi đặt ra có phù hợp hay không". Ông Tiến chỉ ra một thực tế là trong thi tuyển công chức, viên chức hiện nay đôi khi việc thi tuyển chỉ là hình thức. Còn người ta đã sắp đặt trước hết rồi. Thi chỉ để hợp thức hóa dẫn đến chuyện người có tài năng thực sự lại trượt, còn quen biết có khi lại đỗ.
Cần minh bạch trong tuyển dụng
Một giáo viên từng trải qua 2 lần thi tuyển viên chức, lần đầu bị trượt và sau đó được “rút kinh nghiệm” nên đã đỗ trong lần 2, chia sẻ: "Việc thi tuyển nói rằng minh bạch nhưng thực ra có rất nhiều kẽ hở. Ví dụ, trong vòng phỏng vấn, có 3 người trong hội đồng sát hạch nhưng không có ghi âm, không có giám sát và cũng không biết giám khảo chấm điểm thế nào… cho nên nhiều trường hợp trượt mà không biết vì sao mình trượt là vì thế".
Bên cạnh đó, nội dung thi tuyển cũng chưa đánh giá được trình độ chuyên môn của người dự tuyển. Những người từng thi tuyển cho hay câu hỏi đưa ra thường là những kiến thức học thuộc lòng, không đánh giá được trình độ thực sự của mỗi cá nhân. Trong khi lẽ ra cần phải yêu cầu ứng viên vận dụng kiến thức văn bản pháp luật, kiến thức chuyên ngành đã được học để xử lý tình huống hoặc cho đề bài, soạn thảo đáp án trên máy tính và đứng thuyết trình đáp án đó cho hội đồng sát hạch.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Cách tuyển dụng như hiện nay chưa thực sự chọn được người giỏi nghề và còn phụ thuộc vào chủ quan của người được giao nhiệm vụ ở hội đồng tuyển dụng. Người ngồi ở hội đồng tuyển dụng muốn đánh trượt ai không khó vì họ sẽ chủ động đưa ra hàng rào đánh đố thí sinh...".
Ông Lê Như Tiến đề nghị, nếu thực sự muốn tuyển người giỏi, đúng vị trí cần tuyển thì buộc phải đổi mới cách thức thi cử, bằng cách là đưa ra những đề bài thực tế xử lý những công việc thực tế mà cuộc sống đặt ra, hoặc đúng yêu cầu cần tuyển của đơn vị đó. Không nên có một đề thi chung cho tất cả mọi người, cho tất cả vị trí, công việc ứng tuyển, mà cần có đề bài chuyên biệt, tiêu chí thi tuyển chuyên biệt với từng công việc, nhiệm vụ.
Tại một cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ, trả lời về việc tuyển dụng giáo viên hiện nay, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng theo quy định, trong quá trình xét tuyển có thể phỏng vấn hoặc thực hành để đánh giá trình độ năng lực của người dự tuyển. Quy định này áp dụng cho tất cả lĩnh vực sự nghiệp. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, đối với lĩnh vực đặc thù như giáo dục cần phải kiểm tra năng lực truyền đạt kiến thức cho học sinh, giữa thực hành và phỏng vấn nên lựa chọn phương pháp thực hành để đánh giá chính xác trình độ, năng lực của người dự tuyển.
Ông Tuấn cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, đối với hình thức phỏng vấn thì phải ghi lại hình và tiếng của buổi phỏng vấn để khi có ý kiến thắc mắc sẽ tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo khách quan, công khai, rõ ràng trong các bước xét tuyển. Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, sửa đổi lại các quy định. Đối với những ngành có tính chất đặc thù, có những quy định tuyển dụng sát thực hơn, phù hợp với tính chất của ngành.
Chạy vạy rồi làm trả nợ sau
“Lúc đầu chọn ngành sư phạm để được miễn học phí và hy vọng ra trường sẽ ổn định hơn những ngành khác, nhưng lúc ra trường thì vỡ mộng đâm lao đành phải theo lao. Cố gắng chạy vạy tiền bạc xin việc rồi làm trả nợ sau vậy”.
N.T.T.X (giáo viên một trường THPT Q.7, TP.HCM) 
Mù mờ... thi công chức
Thi công chức ngành giáo dục có 2 phần: bài thi và vấn đáp. Ở phần bài thi thì có thể kiểm soát được nhưng hầu như rất ít công khai bài làm này. Còn phần thi vấn đáp không có tiêu chí nào để đánh giá chính xác được. Các câu hỏi đều có mức độ khó dễ khác nhau. Nếu muốn cho một người đậu thì có nhiều cách để “lách”. Không ít hiệu trưởng còn sử dụng “chiêu” nhận giáo viên về dạy hợp đồng trước, sau khi đủ giờ, đủ tiết thì trình cấp trên biên chế về trường. Lúc này cơ quan quản lý chỉ đóng vai trò là người phê duyệt”.
Giám đốc một trung tâm GDTX tại TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.