Nhiều khách hàng lựa chọn vận tải đường bộ xuyên biên giới ở Đông Nam Á

Mai Vọng
Mai Vọng
18/08/2021 19:11 GMT+7

Ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn vận tải hàng hóa bằng đường bộ cho chặng đường ngắn và đường dài xuyên biên giới Đông Nam Á bởi chi phí rẻ hơn và lượng khí cacbon thải ra thấp hơn so với đường hàng không.

Thông tin trên được đại diện DHL Global Forwarding nêu tại buổi trực tuyến công bố sách trắng “Hành trình tăng trưởng của vận tải hàng hóa tại Đông Nam Á” ngày 18.8.2021, với dự đoán về sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong lĩnh vực vận tải đường bộ xuyên biên giới ở Đông Nam Á.
Ông Thomas Tieber, Giám đốc điều hành của DHL Global Forwarding tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Vận tải đường bộ đang đóng vai trò đáng kể trong vận chuyển đường dài quốc tế ở Châu Á vì nó đem đến lựa chọn bền vững và tiết kiệm chi phí. Chúng ta có thể thấy năm vừa qua, trong khi giá cước đường hàng không và đường biển biến động mạnh giữa đại dịch Covid-19, vận tải đường bộ và vận tải đa phương thức đã cung cấp những mức giá, công suất ổn định và khả năng tiếp cận biên giới dễ dàng hơn tại Đông Nam Á”
Một chuyến hàng vận chuyển bằng đường hàng không từ Jakarta (Indonesia) đến Bangkok (Thái Lan) qua Singapore thải ra ít hơn 50% lượng khí cacbon và tiết kiệm 35% chi phí so với chuyến bay thẳng, trong khi vận chuyển bằng đường bộ từ Singapore đến Trung Quốc giảm tới 83% lượng khí thải cacbon so với vận tải hàng không - ông Thomas Tieber cho biết.
Lĩnh vực vận tải đường bộ xuyên biên giới ở Đông Nam Á sẽ đạt mức tăng trưởng dự kiến là 5,5% trong năm 2021 ở lĩnh vực thương mại điện tử. Dự đoán này được đưa ra dựa trên sự phát triển ở các thị trường kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, khi sản xuất sẽ được phục hồi, đồng thời các công ty thực hiện khu vực hóa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

NGUỒN: DHL

Ông Kelvin Leung, Giám đốc điều hành DHL Global Forwarding Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Với việc nới lỏng các hạn chế thương mại và thực hiện các sáng kiến mới trong khu vực như hệ thống hải quan điện tử quá cảnh ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, hợp tác thương mại sẽ tiếp tục thúc đẩy và tăng cường hỗ trợ thương mại vùng nội Á. Điều này thật sự có lợi cho các nước ASEAN trong việc chuẩn bị hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19”.
Một trong những cải tiến đóng vai trò quan trọng nhất chính là Hệ thống Hải quan điện tử quá cảnh ASEAN (ACTS) vào năm 2020, đã cho phép các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuyên suốt giữa các quốc gia ASEAN bằng việc khai báo 1 lần duy nhất, liên quan đến các khoản thuế và nghĩa vụ, trong toàn bộ hành trình vận chuyển.
Điều này góp phần thúc đẩy vận tải đường bộ xuyên biên giới trong khu vực ASEAN và đây là giải pháp logistics bền vững với dự đoán sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) trên 8% trong giai đoạn 2020-2025. Sự gia tăng chi tiêu trong thương mại điện tử của người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) được dự đoán sẽ tăng 70% vào năm 2027, đồng thời gia tăng thêm nhu cầu về các giải pháp logistics trọn gói tận nơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.