(TNO) Tập đoàn sản xuất giày thể thao hàng đầu thế giới Adidas đang lên kế hoạch sử dụng robot vào hoạt động kinh doanh, nhằm tăng tốc độ sản xuất và cắt giảm chi phí thuê mướn nhân công. Điều này đe dọa đến việc làm của hàng triệu lao động tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil.
Một cánh tay robot đang làm việc trong phòng thí nghiệm sáng chế của Adidas ở thị trấn Herzogenaurach, miền nam nước Đức - Ảnh: Reuters
|
Reuters cho biết trong tổng số 258 triệu đôi giày được sản xuất hằng năm bởi Adidas, phần lớn được làm tại các nước châu Á, nơi có nhân công giá rẻ.
Điều này sẽ sớm thay đổi khi các robot có chi phí thấp hơn, làm việc nhanh và chính xác hơn sẽ cho phép Adidas đem hoạt động sản xuất, kể cả việc sản xuất các phần lặt vặt của đôi giày, về lại những quốc gia có chi phí nhân công đắt đỏ như quê nhà Đức. Và qua đó, cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian giao hàng, cắt giảm mạnh chi phí vận chuyển. Viễn cảnh được đánh giá là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới, theo Reuters.
Adidas hiện làm việc với chính phủ, các viện hàn lâm và các hãng chế tạo thiết bị tự động ở Đức để cùng phát triển các công nghệ mới mà tập đoàn hy vọng sẽ tạo ra một sự thay đổi cực lớn trong ngành sản xuất giày.
Kế hoạch robot hóa sản xuất là một phần trong dự án đuổi kịp Nike của Adidas. Reuters cho biết, trong vài năm gần đây, tập đoàn Mỹ, với vai trò là hãng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất quần áo và phụ kiện thể thao, đã nới rộng cách biệt nhờ vào những sản phẩm đầy tính sáng tạo, chẳng hạn như mẫu giày Flyknit được làm từ máy móc.
“Chúng tôi sẽ đem hoạt động sản xuất trở lại các thị trường chính”, Giám đốc điều hành Adidas Herbert Hainer nói với Reuters hồi tháng 3.
Adidas đang nuôi hy vọng sẽ mở cửa một cửa hàng ở Berlin vào năm tới và cửa hàng này sẽ tự sản xuất giày thể thao, với kiểu dáng do chính khách hàng tự nghĩ ra, nhờ vào máy khâu và một máy tạo đế giày.
Lao động Việt Nam đối diện nguy cơ mất việc
Một mẫu giày đá banh của Adidas được trình làng trong cuộc họp báo ở thị trấn Herzogenaurach, miền nam nước Đức, hồi tháng 6.2014 - Ảnh: Reuters
|
Điều này đe dọa hàng triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất giày ở các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Brazil, nhưng cũng tạo ra việc làm mới ở những nơi khác, chẳng hạn như lao động tay nghề cao làm việc cùng robot, Reuters nhận định.
Theo thống kê của hãng tư vấn quản lý BCG (Mỹ), robot, hiện phần lớn được dùng trong lĩnh vực sản xuất ô tô, có thể giúp cắt giảm hơn 18% chi phí nhân công trong năm 2025 trong các lĩnh vực khác.
Adidas bảo mật nghiêm ngặt công nghệ sản xuất mới của mình, Reuters cho biết. Cánh phóng viên ảnh mới đây đã không được mời đến dự một buổi lễ ra mắt nhà đầu tư mẫu robot có khả năng dán logo trứ danh hình 3 vạch xéo của Adidas lên giày thể thao tại trung tâm sáng chế của tập đoàn.
Công nhân làm việc tại một xưởng giày da ở Việt Nam - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo số liệu của hiệp hội các nhà sản xuất giày của Bồ Đào Nha (APICCAPS), tổ chức thường xuyên có báo cáo thống kê về ngành sản xuất giày toàn cầu, châu Á sản xuất đến 87% lượng giày trên toàn thế giới, với Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất, sau đó là Ấn Độ, Brazil và Việt Nam.
Bình luận (0)