Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, mùa lễ hội tới, những lễ hội hiến sinh mới tổ chức chạy theo thị trường sẽ không được cấp phép.
Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ngày 2.7, Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 được tổ chức tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó ban Tổ chức lễ hội làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, Bắc Ninh, nơi diễn ra tục hiến sinh từng gây “bão” tranh luận hồi đầu năm là nên giữ nét truyền thống chém lợn hay bỏ vì sợ phản cảm, kể về lần Thành hoàng làng ông giết lợn khao quân, để rồi sau đó năm nào dân cũng cùng nhau ra đình chém lợn dâng cúng. Ông còn dẫn cả ý kiến các nhà khoa học ủng hộ nghi lễ này. Về những ý kiến phản đối, ông nói: “Đó là chuyện riêng của làng tôi”.
Ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản dẫn nhiều tục hiến sinh tương tự ở nước ngoài, chẳng hạn lễ hội ném dê ở bắc Tây Ban Nha, lễ hội đâm bò cũng ở đất nước này. Theo đó, lễ hội đâm bò Toro De La Vega sau khi bị cấm đã được phục hồi năm 1999, để rồi năm 2014 hơn 45.000 người đã quy tụ để yêu cầu dẹp bỏ nó. Từ kinh nghiệm trên, theo ông Thành, về tục hiến sinh cần thông qua giáo dục cộng đồng để tạo đồng thuận.
|
Quay lại trường hợp ở Bắc Ninh, bản thân người dân ở đó trong vài năm gần đây cũng đã thay đổi ít nhiều tục của mình. Họ vẫn hành lễ, song phần chém lợn không làm ở sân đình nữa mà ở hậu cung, giảm đi số người chứng kiến cảnh chém lợn. Năm tới, dự kiến người dân ở đây cũng sẽ làm như vậy. Họ sẽ chọn người được nuôi ông ỉn như một vinh dự, cũng là lấy may vào tháng 7 âm lịch tới.
“Không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi một số lễ hội cổ truyền nào đó vì có các hiện tượng tiêu cực đi kèm theo. Thay vào đó cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo được sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng, truyền thông”, ông Thành nói.
Bản thân Hội Di sản cũng đã có ý kiến về những tục hiến sinh như chém lợn, chọi trâu này. Theo các nhà khoa học, không nên hành chính hóa việc quản lý văn hóa bằng các lệnh cấm. Văn hóa nếu cần thay đổi sẽ thay đổi dần dần. “Nhất trí quan điểm tục hiến sinh luôn có sự biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhất định. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, giải quyết hài hòa, có lý có tình về tục hiến sinh”, PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Tổng thư ký Hội Di sản nói.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hóa dân gian, cho rằng hiện nay có nhiều lễ hội được sinh ra để chạy theo lợi nhuận. Chính vì thế, trước đây vốn không có nhiều lễ hội chọi trâu như bây giờ. “Có đến mấy chục hội chọi trâu. Chính kiểu lễ hội vì lợi nhuận thế này mới là điều chúng ta cần quản lý chặt chẽ, vì sẽ có nhiều biến tướng khác nhau”, ông Sơn nói.
Về các lễ hội có hiến sinh, Bộ VH-TT-DL cho rằng sẽ vận động người dân điều chỉnh. “Chính tôi đã nói chuyện với người dân. Họ cũng đồng ý là cái gì phản cảm thì sẽ thay đổi”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết.
Trước mắt, bộ trưởng cho biết mùa lễ hội tới sẽ không cấp phép cho các lễ hội hiến sinh mới chạy theo lợi nhuận. Các lễ hội hiến sinh vốn đã được công nhận di sản phi vật thể, theo hồ sơ của Cục Di sản, vẫn được tiếp tục tổ chức. Tuy nhiên, với những trường hợp này, nhà khoa học sẽ ngồi bàn bạc với dân để có những thay đổi phù hợp.
Chặt chém xuất phát từ phía quản lý
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL: “Nhà quản lý mặt bằng đến mùa lễ hội cho thuê kinh doanh với giá quá cao. Mà như thế nghĩa là việc chặt chém xuất phát ngay từ phía người quản lý đó. Vì khi người ta thuê chỗ sẽ phải đưa chi phí vào giá thành sản phẩm, khiến giá đội lên.
Chưa có điều kiện xác minh chính thức, nhưng tôi nghe nói thuê chỗ ở bờ biển Sầm Sơn là hơn 1 tỉ đồng/năm dẫn đến chuyện 25.000 đồng/chai nước lọc và 40.000 đồng/lon bia. Đấy là còn chưa tính đến chuyện họ mua đi bán lại chỗ kinh doanh. Nguyên nhân dẫn đến tăng giá, ép giá, thậm chí chặt chém có nguyên nhân từ cơ quan quản lý di tích là như thế”.
Bình luận (0)