Nhiều lỗ hổng khi sử dụng lao động trẻ em trong nghệ thuật, thể thao

Thu Hằng
Thu Hằng
09/06/2020 06:29 GMT+7

Không chỉ vi phạm về độ tuổi, nhiều lĩnh vực, nhất là văn hóa nghệ thuật , thể thao còn vi phạm thời gian làm việc đối với lao động trẻ em dưới 15 tuổi.

Đây là phản ánh của các chuyên gia tại hội thảo giới thiệu những nội dung mới về lao động (LĐ) chưa thành niên trong bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức LĐ quốc tế (ILO) tổ chức ngày 8.6.

Vi phạm nhiều nhưng chưa bị “tuýt còi”

Dẫn bộ phim Vợ ba khởi chiếu năm 2019 nhưng chỉ sau 3 ngày đã phải dừng chiếu tại các rạp vì dư luận phản đối gay gắt, khi sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng các “cảnh nóng” trong phim gắn mác 18+, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nói: “Theo quy định, người dưới 13 tuổi được phép tham gia một số công việc đặc biệt trong hoạt động nghệ thuật. Lẽ ra những “cảnh nóng” này phải sử dụng diễn viên đóng thế, nhưng nhà sản xuất và đạo diễn lại sử dụng diễn viên chưa thành niên đóng những cảnh trần trụi, phản cảm, phi nghệ thuật”. Theo ông Nam, đây là vụ việc nghiêm trọng, cho thấy những “lỗ hổng” trong các quy định về sử dụng LĐ trẻ em. Tuy nhiên, vụ việc chưa xử lý được theo các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, sử dụng người chưa thành niên dưới 15 tuổi làm việc.
Ông Nam còn chỉ ra hàng loạt những vi phạm về giờ làm việc đối với LĐ trẻ em trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao như: các game show truyền hình; cuộc thi âm nhạc; các đội văn nghệ, vũ công của các nhà thiếu thi, nhà văn hóa tham gia biểu diễn các sự kiện, đám cưới… “Thay vì được nghỉ ngơi, nhiều chương trình biểu diễn kéo dài đến tận khuya. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ em, thậm chí với những lĩnh vực không được phép sử dụng LĐ trẻ em còn tác động xấu đến tình cảm, đạo đức của các em. Nếu bây giờ không điều chỉnh các quy định, tôi e rằng khi có vấn đề xảy ra, chúng ta không có đủ căn cứ để xử phạt”, ông Nam nhấn mạnh.
Nhiều lỗ hổng khi sử dụng lao động trẻ em trong nghệ thuật, thể thao1
Bà Nguyễn Thị Nhuần, Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay trong thực tế, tình trạng LĐ chưa thành niên tham gia vào quan hệ LĐ nhưng chưa được ký kết hợp đồng LĐ đang là tồn tại chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, nếu có ký kết hợp đồng LĐ thì hầu hết chưa quy định rõ thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi. “Đáng báo động là LĐ chưa thành niên phải làm việc ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi làm việc cấm sử dụng LĐ chưa thành niên... Nhiều cơ sở sử dụng LĐ trong độ tuổi chưa thành niên không đăng ký với chính quyền địa phương nên rất khó khăn trong quản lý giám sát…”, bà Nhuần phản ánh.

Theo khảo sát của chúng tôi, trẻ em tham gia nghệ thuật, thi đấu thể thao... đem lại lợi ích kinh tế bắt đầu từ 5 tuổi. Vì vậy, cần phải có những hành lang pháp lý rất cụ thể

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH

Bà Nguyễn Thu Phương, đại diện Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT-DL), thừa nhận trong lĩnh vực thể dục thể thao, việc luyện tập, thi đấu ngoài giờ là phổ biến. “Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải quy định cụ thể về điều kiện làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… đối với người dưới 15 tuổi”, bà Phương nói.

Phải có sự đồng ý của cơ quan LĐ

Ông Ngô Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết bộ này đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc theo quy định tại điều 45 BLLĐ năm 2019. Dự thảo quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Đặc biệt, điểm mới của dự thảo là quy định người chưa đủ 15 tuổi không được làm quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng LĐ phải tuân theo khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc. Những quy định mới có thể được thực thi ngay khi BLLĐ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.
Về sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào những công việc nghệ thuật, thể thao, ông Ngô Hoàng cho biết: “Hiện BLLĐ đang quy định theo hướng phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn LĐ thuộc UBND các tỉnh, TP. Theo đó, các hợp đồng này quy định những công việc mà trẻ em làm phù hợp với độ tuổi, giới tính, không trái với quy định của pháp luật”.
Ông Đặng Hoa Nam bày tỏ: “Theo khảo sát của chúng tôi, trẻ em tham gia nghệ thuật, thi đấu thể thao... đem lại lợi ích kinh tế bắt đầu từ 5 tuổi. Vì vậy, cần phải có những hành lang pháp lý rất cụ thể. Bên cạnh đó, thông tư cần quy định mẫu riêng về giao kết hợp đồng đối với LĐ chưa đủ 15 tuổi. Hợp đồng này phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về LĐ. Thông tư chính là hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho LĐ trẻ em dưới 15 tuổi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.