Mật ong dỏm quảng cáo thành thượng hạng
Chị Trương Thị Thái Hòa, ngụ P.An Phú Đông, Q.12 (TP.HCM) kể: Mấy ngày trước, chị mua 1 chai mật ong trị giá 1,2 triệu đồng trên mạng, tuy nhiên khi bảo quản sử dụng được vài ngày thì mật ong bỗng nhiên mất mùi, ăn ngọt như đường và sủi bọt. Thấy bất thường, chị đành đem đổ bỏ không dám sử dụng tiếp. Khi chị phản ánh lại người bán thì họ đổ lỗi cho tôi bảo quản không đúng cách nên không chịu trách nhiệm.
Bà Lê Thị Ngọc Yến, ngụ tại P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho biết: Tôi ít sử dụng mật ong nên không rành cách lựa chọn sản phẩm này. Hôm trước có đứa cháu nhờ mua giùm, tôi mới mua của một người bán hàng online. Họ giới thiệu mật ong càng sủi nhiều bọt thì càng chất lượng cao, giá cũng chênh lệch hơn so với các loại mật ong nuôi. Tôi mua 1 chai và sau đó người nhà nói rằng tôi đã bị lừa. Bởi mật ong mà sủi bọt nhiều chính là mật ong kém chất lượng. Sợ quá nên tôi đành phải mang bỏ đi, mất gần 1,2 triệu đồng, rất xót ruột.
Một YouTuber đang "chém gió" để bán mật ong dù không hề nắm kiến thức cơ bản đối với loại thực phẩm này |
đinh đang |
Thanh Niên đã thực hiện cuộc khảo sát trên thị trường mạng. Hiện nay có rất nhiều kênh bán hàng qua YouTube, Facebook nhưng thực tế không nắm được nguồn gốc sản phẩm. T.T.H, chủ kênh YouTube Lạc Phong khá đông người theo dõi, kể: Tôi trước đây làm ăn thua lỗ, vỡ nợ, nhưng từ ngày bán mật ong online thì tôi đã có nguồn thu nhập khá lớn, mỗi tháng bình quân hàng chục triệu đồng.
Theo YouTuber này quảng cáo, mật ong càng sủi bọt nhiều thì mới là mật ong chất lượng, là mật ong rừng chính hiệu giá rất cao, trên thị trường bán từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/lít, nhưng tôi thì bán rẻ hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nguồn gốc xuất xứ thì anh này cho biết chỉ lấy lại của người khác chứ không sản xuất gì, họ đóng trong chai nhựa rồi về tự dán nhãn của mình lên.
Ông Bùi Mạnh Đạt, chủ một tiệm thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5 (TP.HCM) cho biết: Mật ong là một loại dược liệu nên tôi thường xuyên mua sản phẩm này. Thị trường trong nước hiện nay rất nhiễu loạn, nhất là trên các kênh mạng xã hội. Người tiêu dùng bình thường rất khó phân biệt được chất lượng mật ong nên dễ bị lừa. Thậm chí hiện nay có trường hợp nhiều người lấy mật ong của những hộ nuôi với số lượng lớn với giá khoảng 100.000 - 150.000 đồng/lít, sau đó rao bán trên mạng hoặc mang bày bán ở một số chợ với giá 500.000 - 700.000 đồng/lít vì những người này giới thiệu với người mua là mật ong lấy từ rừng. Họ còn gắn thêm cả một ít lá tràm, sáp ong để người mua tin đó là mật ong rừng. Nguyên liệu chính để làm mật ong giả là đường, nước lọc, phèn hoặc chanh tươi và vỏ cây núc nác. Sau khi chế biến “mật ong” bằng những loại nguyên liệu này người làm mật ong giả rót vào chai và cho thêm một ít sáp ong và một vài giọt mật ong thật lên phía trên để có mùi thơm giống mật ong rừng. Sau khi thành phẩm những người làm mật phân phối cho nhiều nơi để bán với nhiều mức giá khác nhau.
Buông lỏng thị trường nội địa
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Bá Long - Giám đốc Công ty Ong mật TP.HCM cho biết: Quy trình để đánh giá chất lượng của mật ong theo tiêu chuẩn quốc tế có hơn 30 chỉ tiêu cần xét nghiệm, một trong số chỉ tiêu quan trọng nhất là hàm lượng nước (độ ẩm) của mật ong. Hay nói cách dễ hiểu hơn đó là tiêu chí đặc hay loãng ở mật ong. Mật ong có độ ẩm càng thấp (mật càng đặc) thì mật ong càng chất lượng. Ngược lại mật ong có độ ẩm càng cao (mật càng loãng) thì mật ong càng kém chất lượng. Thông thường, mật ong thật chất lượng có độ ẩm dưới 20% khối lượng tổng thể. Cũng là mật ong thật nhưng độ ẩm cao từ 21% trở lên thì mật ong này có chất lượng kém và sinh ra nhiều bọt gas giống như bọt bia.
Mật ong chất lượng cao có thương hiệu chỉ khoảng 700.000 đồng/lít trong khi giá bán trên các kênh mạng xã hội lên đến 1,2 triệu đồng |
đinh đang |
Theo ông Đặng Bá Long, mật ong tự nhiên cho dù khai thác bằng phương pháp nào đi chăng nữa (phương pháp đánh bắt mật ong rừng hay nuôi ong tự nhiên trong rừng) thì đều cần phải làm tất cả các xét nghiệm kiểm tra thành phần hóa lý bên trong của sản phẩm mật ong và nhất là phải qua một quy trình xử lý lọc nước và chất cặn. Trong mật ong có hàm lượng nước cao rất dễ tạo bọt gas mỗi khi rung lắc, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm mốc phát triển, nhanh chóng làm biến chất mật ong. Chỉ vài tháng, mật ong có thể bị lên men chua kèm vị đắng không tốt cho sức khỏe nếu ăn phải mật ong này, thậm chí có thể gây ngộ độc cho những người đề kháng kém.
Bà Trần Hoàng Phương Anh, một Việt kiều đang quản lý nhà hàng cao cấp tại Sydney (Úc), kể: Tôi trực tiếp theo dõi khâu chế biến thực phẩm nên rất quan tâm đến các nguyên liệu tại Việt Nam. Đối với mật ong, ở Úc kiểm soát rất chặt chẽ, phải đóng trong các chai thủy tinh theo quy định, có nhãn dán đầy đủ thông tin và hạn sử dụng, cách bảo quản, chế biến… Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Úc hay các nước khác cũng phải theo tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt này. Tuy nhiên, khi về Việt Nam thì thấy thị trường nội địa không được kiểm soát chặt như vậy, mật ong bán tràn lan trên mạng không có nhãn mác, không biết nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Chẳng lẽ sức khỏe người tiêu dùng ở trong nước và nước ngoài lại có sự phân biệt như vậy sao?
Trả lời Thanh Niên, ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc bộ phận Nhãn hàng riêng của Saigon Co.op (Co.opmart) chia sẻ: Đối với mật ong nói riêng và hầu hết các sản phẩm lựa chọn làm nhãn hàng riêng cho Co.opmart, khi làm việc với nhà cung cấp, chúng tôi đưa ra những tiêu chí rất chặt chẽ để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ví dụ như nhà cung cấp phải có nhà máy đạt chuẩn, có hợp đồng nguyên liệu rõ ràng, có các chứng nhận kiểm định, kiểm soát chất lượng và rất nhiều cam kết khác. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng đỡ hoang mang và yên tâm hơn khi mua các sản phẩm mà không am tường cách thẩm định.
Một số doanh nghiệp kinh doanh mật ong uy tín cũng nêu kiến nghị các cơ quan quản lý nên kiểm soát chặt hơn đối với sản phẩm thực phẩm hoặc dùng để chế biến đang bán tràn lan trên mạng để tránh những thiệt hại về sức khỏe cũng như tiền bạc của người tiêu dùng.
Theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì hành vi quảng cáo “lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo” và hành vi quảng cáo “sai sự thật, không đúng chất lượng, công dụng, chủng loại của hàng hóa” sẽ bị phạt tiền 50 - 70 triệu đồng.
Bình luận (0)