Mặt bằng cho thuê "ngủ đông"
Dạo một vòng quanh các tuyến đường ở TP.HCM như: Phan Đăng Lưu, Phan Đình Phùng, Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), Nguyễn Trãi (Q.5)… không khó nhận ra rất nhiều căn nhà đóng cửa im lìm, treo bảng cho thuê. Bên cạnh đó, những bảng thông báo "cho thuê mặt bằng" được dán, treo chi chít.
Anh Lê Văn Thành (34 tuổi), kinh doanh bất động sản, chuyên cho thuê mặt bằng ở khu vực các Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp, cho hay: "Tôi "ôm" một số mặt bằng mà sau hơn một năm rưỡi vẫn chưa thể cho thuê được. Nếu trả lại cho chủ thì vi phạm hợp đồng. Còn khách liên lạc tôi thuê lại thì đưa ra giá quá thấp. Tôi chẳng biết phải làm sao".
Anh Phạm Thành Sang (38 tuổi), chủ một mặt bằng cho thuê ở đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), kể: "Có mặt bằng trước đây được một thương hiệu phở thuê. Sau đó họ trả lại mặt bằng. Kể từ đó (tháng 4.2024 – PV) đến nay vẫn chưa cho thuê được. Dù tôi đã "đại hạ giá" xuống 30%".
Anh Lê Đức Trí, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Q.5, TP.HCM cho rằng không thể phủ nhận thực tế là suốt thời gian dài vừa qua, nhiều mặt bằng cho thuê rơi vào tình trạng "ngủ đông". Nghĩa là, dù treo bảng cho thuê nhưng không có khách.
"Lý do, vì thói quen của người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, khiến những người kinh doanh hạn chế về nhu cầu thuê mặt bằng mở cửa hàng. Chi phí sinh hoạt tăng mà kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn nên sức mua có hướng giảm, một bộ phận người kinh doanh buôn bán không khả thi… Từ đó, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô kinh doanh, chuyển sang kinh doanh trực tuyến hoặc đóng cửa. Cũng có công ty phá sản. Và hiện tượng trả mặt bằng hàng loạt xuất hiện. Những mặt bằng này dù có giảm giá nhưng dường như vẫn chẳng đủ sức hấp dẫn để khách thuê. Bằng chứng là hiện nay tại TP.HCM có nhiều mặt bằng rơi vào cảnh bị "bỏ hoang" suốt thời gian dài", anh Trí chia sẻ.
Có nên thuê?
Anh Trần Đình Vũ (31 tuổi), kinh doanh thương hiệu nước uống về xoài ở Q.6 (TP.HCM), cho biết đang có ý định thuê mặt bằng để mở rộng quy mô kinh doanh.
Anh Vũ cho rằng việc các mặt bằng cho thuê ế ẩm, không có ai "dòm ngó" cả 1, 2 năm chính là cơ hội để anh "ngã giá", có thể thuê với giá thấp.
Tương tự, tại một diễn đàn chuyên bàn chuyện khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên Facebook, có những thành viên cũng nói rằng khi mặt bằng cho thuê "ngủ đông", ngừng hoạt động suốt thời gian dài, thì chủ sẽ có tâm lý muốn cho thuê liền. Và đó là cơ hội cho những ai muốn thuê mặt bằng với giá cả phải chăng.
Tuy vậy, chị Nguyễn Thị Hải Như (37 tuổi), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc, đang là chủ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp tại TP.HCM và Hà Nội, lưu ý, cần thận trọng trong việc thuê mặt bằng ở thời điểm này.
"Có thể, khi mặt bằng cho thuê bị ế khách cả năm, thậm chí hơn, thì chủ muốn cho thuê để thu lợi nhuận. Chủ cũng có thể sẽ giảm giá khoảng 5 – 10%. Người thuê không khó khăn để tìm thuê được mặt bằng ở vị trí ưng ý, thương lượng với chủ để có giá "mềm", ưu đãi hơn. Tuy nhiên, tìm mặt bằng để kinh doanh phải tính toán tới nhiều yếu tố chứ không phải nghĩ đơn giản là thuê được với giá rẻ", chị Như nói.
Những yếu tố mà chị Như đề cập tới đó là: Liệu vị trí mặt bằng có phù hợp để kinh doanh? Có vướng đối thủ cạnh tranh hay không? Có đông người qua lại, đường một hay hai chiều? Thử khảo sát để xem số lượng khách hàng tiềm năng nhiều hay ít?...
"Tóm lại, để thuê mặt bằng kinh doanh khoan nghĩ đến yếu tố "rẻ" mà cần tìm vị trí phù hợp. Hãy dành nhiều thời gian để tìm kiếm, sàng lọc mặt bằng đáp ứng đầy đủ những yếu tố cần thiết. Khi đó hãy "xuống tiền" thuê. Chứ "thuê đại" chỉ vì mặt bằng được giảm giá thì có thể rơi vào tình huống kinh doanh ế ẩm sau này. Thậm chí, có thể vừa thuê đã phải trả mặt bằng", chị Như nói.
Bình luận (0)