Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm

19/07/2016 19:32 GMT+7

Ngày 19.7, tại TP.HCM, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị 'Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016' do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.

Số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm của Bộ Công thương tại hội nghị cho thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã sụt giảm đáng kể về lượng lẫn kim ngạch. Cụ thể xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: gạo, dệt may, cao su, nhiên liệu khoáng sản… đều giảm.
Xuất khẩu gạo 6 tháng qua chỉ đạt 2,66 triệu tấn, kim ngạch 1,19 tỉ USD, giảm 11% về lượng và 6,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,65 tỉ USD, giảm mạnh 39,4%. Cao su tuy tăng 7,3% về lượng nhưng kim ngạch giảm đến 8,7%.
Về xuất khẩu dệt may, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy trong 6 tháng qua tăng 6,4% so cùng kỳ. Song theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN thông tin, toàn ngành đưa ra mục tiêu năm 2016 xuất khẩu 15 tỉ USD, song tình hình hiện nay dự báo chỉ đạt 12 tỉ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng và cố gắng để tăng tốc vào những tháng còn lại của năm.
Bàn về giá xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm, Bộ Công thương cho rằng do tác động từ việc suy yếu kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil… trong khi nguồn cung nông sản, thủy sản từ các nước xuất khẩu đang gia tăng và cạnh tranh dữ dội về giá lẫn số lượng.
Đối với nhóm hàng công nghiệp, giá xuất khẩu một số mặt hàng cũng giảm do nhu cầu thị trường thế giới thấp trong khi Trung Quốc đang dư thừa nguồn cung các mặt hàng phân bón, sắt thép… dẫn đến giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Công thương lưu ý các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại sẽ “siết” chặt hơn trong thời gian tới do VN đang vào giai đoạn hội nhập sâu.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh có nhiều cơ hội mà doanh nghiệp Việt cần nắm bắt và tăng tốc trong mấy tháng cuối năm. Đó là những mặt hàng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới ký kết, đặc biệt các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Giải pháp với các mặt hàng chủ lực đang giảm tốc như xuất khẩu gạo, theo Bộ Công thương, công tác xúc tiến thương mại vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung khai thác mở rộng tại thị trường châu Phi. Với xuất khẩu cao su, quan điểm của Bộ Công thương là cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường quốc tế thay vì một số chủng lại đã “lỗi thời” như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.