Theo CNN, Thủ tướng May vừa nói trong tuần này rằng Anh cũng sẽ không còn là thành viên của thị trường nội địa duy nhất EU nữa. Điều này buộc các ngân hàng và hãng dịch vụ tài chính có trụ sở ở Anh di chuyển hàng ngàn việc làm và hoạt động đến EU, nhằm đảm bảo họ có thể tiếp tục kinh doanh tại 27 nước thành viên còn lại của khối.
“Thật kinh khủng cho các hãng dịch vụ tài chính. Việc này sẽ dẫn đến rất nhiều sự gián đoạn trong cộng đồng tài chính”, Giám đốc điều hành Mujtaba Rahman tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group nói. Các động thái đầu tiên của giới tài chính đã xuất hiện.
Đến 1.000 trong tổng số 5.000 nhân viên thuộc ngân hàng UBS ở Anh sẽ được chuyển về châu Âu, Chủ tịch UBS Axel Weber nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ). HSBC, nhà băng lớn nhất Anh, cho hay họ có thể dời 1.000 việc làm đến Paris (Pháp). CEO HSBC Stuart Gulliver cho hay số nhân viên bị ảnh hưởng tạo ra khoảng 20% doanh số giao dịch tại Anh của ngân hàng.
Chuyên gia Rahman nói: “Ban đầu, các tác động có thể nhỏ nhưng theo thời gian, thêm nhiều dịch vụ có thể tiếp tục di chuyển theo hướng đó”. Nhiều ngân hàng đang chạy đua thực hiện các kế hoạch dự phòng vì chiến lược của bà May trong chuyện Brexit có thể không cho họ “quyền passport”, vốn cần thiết để làm ăn ở một số mảng trong EU.
Nhiều công ty bảo hiểm cũng không ngồi yên. Inga Beale, CEO của hãng Lloyd's ở London, cho hay bà được yêu cầu nhanh chóng dời đi để thành lập một công ty con tại EU nhằm bảo đảm 11% doanh số của hãng đến từ khu vực này. “Chúng tôi sẽ không còn được cấp phép, chúng tôi sẽ không còn có thể cung cấp dịch vụ cho các chủ hợp đồng bảo hiểm EU. Chúng tôi sẽ vượt qua chuyện này và chúng tôi đã có kế hoạch”, CEO của hãng Lloyd's nói.
The City of London được xem là trung tâm của khu vực tài chính châu Âu, song tương lai của nó đang bị đe dọa bởi Brexit.
Dịch vụ tài chính chiếm gần 12% kinh tế Anh và ngành công nghiệp này sử dụng 2,2 triệu người. Một số nhà phân tích cho rằng “passport” dịch vụ tài chính có thể được thay thế bằng các yếu tố khác tương đương, chẳng hạn như một thỏa thuận cho phép giới doanh nghiệp Anh có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới.
Song các chuyên gia cho rằng một yếu tố tương đương như trên là thỏa thuận mong manh, đòi hỏi sự phối hợp điều tiết cẩn trọng. Thỏa thuận này chỉ bao gồm một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp và có thể được EU thu hồi chỉ với 30 ngày thông báo trước.
Vẫn còn một vấn đề khác: Phần lớn thương mại thế giới bằng đồng euro diễn ra ở London. Thành phố này xử lý các giao dịch trị giá hàng ngàn tỉ EUR, gồm tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu và các hợp đồng tài chính khác. Một số hoạt động trên giờ đây chắc chắn sẽ di dời về EU.
Chuyện các ngân hàng “ra đi” có thể tác động đến cả nền kinh tế Anh, Giáo sư tài chính Jon Danielsson tại London School of Economics nhận định, cho hay nguồn thu thuế và nhu cầu dịch vụ sẽ giảm mạnh nếu Anh mất hẳn quyền tiếp cận đầy đủ vào thị trường tài chính châu Âu.
tin liên quan
Thủ tướng Anh quyết dứt tình với EUTheo những gì được chính phủ Anh tiết lộ thì Thủ tướng Theresa May chủ định cắt đứt mọi ràng buộc về pháp lý quốc tế giữa nước này và EU trong quá trình đàm phán về việc Anh rời liên minh (Brexit).
Bình luận (0)