Nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn

Thanh Xuân
Thanh Xuân
20/10/2021 06:23 GMT+7

Quý 3 nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất khiến GDP giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính GDP quý.

Thế nên việc một số ngân hàng công bố lợi nhuận vẫn tăng mạnh khiến nhiều người bất ngờ.

Lợi nhuận tăng hàng chục lần

Lợi nhuận một số nhà băng quý 3 đã được hé lộ, trong đó có ngân hàng (NH) tăng đến 16 lần so với năm ngoái. Đó là NH Quốc dân (NCB) với lợi nhuận trước thuế quý 3 năm nay gần 79,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 5 tỉ đồng. Lũy kế tổng lợi nhuận từ đầu năm đến nay của nhà băng này lên hơn 204 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm ngoái. Trong khi tổng tài sản của NCB cuối tháng 9 giảm 9,6% so với đầu năm, đạt hơn 81.100 tỉ đồng, dư nợ cho vay tăng 2,6%, lên 41.300 tỉ đồng và tiền gửi khách hàng cũng giảm 3,7%, còn 69.501 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94%.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế tại Kienlongbank quý 3 cũng tăng hơn 83%, đạt 76,6 tỉ đồng, nâng mức lãi từ đầu năm đến nay lên hơn 884 tỉ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ năm ngoái.

NH TPBank cũng có mức lợi nhuận quý 3 tăng tới 36%, đạt 1.344 tỉ đồng, nâng mức lợi nhuận từ đầu năm đến nay lên 4.350 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và đạt hơn 75% kế hoạch năm là 5.800 tỉ đồng. Tổng tài sản của NH đạt 260.328 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của NH đạt 9.868 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ và tăng trưởng tín dụng trong 3 quý qua là 15%. Hay lợi nhuận hợp nhất của SHB tính đến cuối tháng 9 đạt 5.055 tỉ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020, riêng quý 3 nhà băng này lãi hơn 1.900 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Những “anh lớn” trong ngành NH như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3 nhưng nhiều khả năng vẫn ghi điểm, bởi đây vẫn là khối dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận trên thị trường NH từ trước đến nay.

Giải thích về mức tăng lợi nhuận rất cao của một số nhà băng, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng một số NH quy mô nhỏ do tăng trưởng tín dụng nhanh đã ghi nhận lợi nhuận cao hơn. Riêng các NH lớn khả năng sẽ không công bố lợi nhuận cao như những quý trước vì thực hiện giảm lãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận quý 3 của các NH có thể sẽ không phản ánh được chính xác vì quy định không yêu cầu báo cáo tài chính kiểm toán. Đặc biệt, ông Chí khuyến cáo, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế những tháng qua không tăng nhiều nên cần lưu ý đến các khoản phải thu trên báo cáo tài chính của NH. Nợ xấu vẫn phát sinh lãi, khả năng không thu được nhưng vẫn ghi nhận. Đây là tiềm năng gia tăng nợ xấu. Thực tế, từ năm ngoái đến nay, các NH thực hiện các quy định Thông tư 01 và gần đây là Thông tư 14 hỗ trợ khách hàng cơ cấu gia hạn nợ, miễn, giảm, lãi vay… Chính vì vậy, việc trích lập dự phòng rủi ro chưa phản ánh hết được tình trạng nợ xấu.

Ngân hàng liên tục báo lợi nhuận tăng

Ngọc Thắng

Vẫn khó giảm lãi vay?

NH vẫn lãi lớn trong khi doanh nghiệp kiệt sức, nhiều ý kiến cho rằng “các NH phải chia sẻ cùng doanh nghiệp và nhân dân”. Thực tế, trong suốt thời gian vừa qua, ngành NH cũng công bố nhiều đợt hỗ trợ với nhiều hình thức như giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ... Mới nhất, 16 NH cam kết hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng lên hơn 20.600 tỉ đồng, gần 1 tỉ USD. Đáng nói, con số giảm lãi cam kết lớn, nhưng cảm nhận của doanh nghiệp thì không rõ ràng khiến nhiều nghi vấn được đặt ra.

Về việc này, ông Lê Đạt Chí phân tích, biên độ lãi ròng (NIM) không giảm có nghĩa việc giảm lãi chỉ là vòng quay đến thời điểm (theo hợp đồng vay vốn) hoặc sớm hơn khi dư luận lên tiếng. Còn thực tế nhiều tháng qua, các tỉnh thành thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng cũng rất chậm, có nơi thậm chí không tăng. Đây là một trong những lý do NH giữ cho NIM không giảm bởi thu nhập của họ chủ yếu đến từ nguồn tín dụng. Dù vậy theo ông Chí, lợi nhuận NH công bố vài ngàn tỉ đồng trong khi các ngành nghề khác bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch nhìn không được thiện cảm. Thế nhưng thực tế, tỷ lệ sinh lời trên vốn cho vay của NH thấp hơn các lĩnh vực khác rất nhiều.

“Ở đây không thể đổ hết cho các nhà băng được bởi họ cũng là đơn vị kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp Việt dùng đòn bẩy tài chính khá cao, sức khỏe tài chính cũng yếu nên đã không thể cầm cự được khi có những ảnh hưởng từ bên ngoài. Những doanh nghiệp, khách hàng có tỷ lệ vay càng nhiều thì càng gặp khó khăn”, ông Chí nói.

NH vẫn có lợi nhuận cao, vậy lãi vay có thể giảm được không? Theo ông Chí, yêu cầu NH giảm lợi nhuận để giảm lãi vay là điều cần thiết và các NH vốn nhà nước chi phối phải đi đầu. Bên cạnh đó, việc khoanh nợ đối với những ngành nghề ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 cũng cần được Quốc hội sớm xem xét để sớm đi vào thực hiện.

Theo ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nếu cứ nhìn vào mức lợi nhuận NH công bố mà yêu cầu NH giảm lãi vay thì khó. Bởi lợi nhuận hiện chỉ mới là ghi sổ, khi nào lãi thu được rồi thì mới được gọi là lời. Còn không thu được thì lỗ. Chưa kể NH đang có rủi ro là giãn nợ cho khách hàng. Việc này có thể gây ra nợ xấu bất cứ lúc nào nếu không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Chỉ đến khi kết thúc 1 năm hoạt động mới rõ được NH đó có lời hay không.

TS Đinh Thế Hiển nêu giải pháp: Trên thị trường hiện nay có 44 NH thương mại và vài chục tổ chức tín dụng khác hoạt động nên lãi suất cho vay cạnh tranh rất cao. Các NH cũng áp lực tìm kiếm khách hàng tốt cho vay trong giai đoạn này. Nếu muốn NH giảm lãi suất cho vay chỉ có cách hỗ trợ vốn rẻ qua các NH thương mại nhà nước để can thiệp thị trường. Chứ còn giảm lãi suất huy động để giảm lãi vay thì chẳng khác nào khuyến khích người dân rút tiền đầu tư tài chính, bất động sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.