Giá cà phê, sầu riêng tăng không điểm dừng
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, ngành rau quả tiếp tục thể hiện vị thế tiên phong cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Trong nửa tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt gần nửa tỉ USD, tăng trên 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại H.Tháp Mười (Đồng Tháp), ông Nguyễn Dũng, một nhà vườn trồng sầu riêng, cho biết giá sầu riêng "bán xô" tại vườn đã lên 147.000 đồng/kg, còn loại 1 đạt 180.000 đồng/kg. "Từ nay đến tháng 5 - 6, khi Thái Lan vào vụ thu hoạch, thì sầu riêng nghịch vụ chỉ có duy nhất ở VN, luôn "nằm" mức giá từ 150.000 đồng/kg trở lên", ông Dũng lạc quan nói.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía nam - Hội Làm vườn VN, thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) đã liên hệ với ông nhằm tìm nguồn cung cấp sầu riêng, dừa, dưa hấu, mít, xoài, bơ, chanh leo… để xuất khẩu vì nhu cầu đang rất lớn. Đây cũng là cơ sở để ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), tự tin vào mục tiêu cán mốc lịch sử 6,5 tỉ USD trong năm 2024 của rau quả, tương đương mức tăng thêm gần 1 tỉ USD so với năm 2023.
Cũng có một khởi đầu như mơ là cà phê. Cập nhật đến cuối ngày 28.1, tại một số địa phương ở Tây nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, giá cà phê nhân đã lên tới 76.500 đồng/kg, thấp nhất là Lâm Đồng cũng 75.500 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với khoảng 41.500 đồng/kg cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá cà phê Tây nguyên tăng mạnh là do thị trường thế giới tuần qua chốt phiên ở cột mốc lịch sử, cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3 đạt 3.269 USD/tấn. Nếu so với tuần trước đó, giá cà phê đã tăng khoảng 140 USD/tấn. Giá cà phê tăng mạnh ngoài yếu tố cung - cầu mất cân đối còn do tình hình căng thẳng trên biển Đỏ khiến cước phí giao hàng tăng và thời gian kéo dài hơn khoảng 3 tuần. Cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan VN cho thấy trong kỳ nửa đầu tháng 1.2024, xuất khẩu cà phê của VN đạt gần 96.000 tấn, trị giá 283 triệu USD, tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc năm 2023 rực rỡ tiếp tục tạo trớn cho hạt gạo Việt khẳng định vị thế số 1 về giá trên thị trường thế giới. Trong nửa đầu tháng 1.2024, dù lượng gạo xuất khẩu ít do chưa tới vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 18%, tương đương gần 20 triệu USD do giá tăng cao. Theo nhiều DN, từ nay đến hết vụ đông xuân giá lúa gạo được dự báo sẽ duy trì mức cao vì nhu cầu thế giới tăng mạnh trong khi nguồn cung khan hiếm. Mới đây, Indonesia mở thầu thêm 500.000 tấn gạo giao trong quý 1/2024 và thị trường này ước sẽ nhập khẩu đến 3 triệu tấn gạo trong năm nay. Trên khắp thế giới, nhu cầu lương thực tiếp tục tăng cao, bảo chứng cho giá gạo VN, một trong những nguồn cung gạo hàng đầu.
Đột phá vốn FDI và số lượng DN thành lập mới
Bức tranh kinh tế khởi động đầu năm "như mơ" còn có sự đóng góp của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 1.2024 với 2,36 tỉ USD, tương đương mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh trong khi vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm. Cụ thể, có 190 dự án mới được cấp giấy phép đăng ký đầu tư mới, tăng hơn 24%, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỉ USD, tăng gần 66% so với cùng kỳ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), quy mô dự án đầu tư tăng là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn FDI tăng mạnh. Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt 1,48 tỉ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính số DN FDI thành lập mới tăng mạnh đã đẩy số DN thành lập mới trên cả nước trong tháng đầu năm cũng tăng vọt. Theo ghi nhận của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), DN thành lập mới trong tháng đầu năm tăng mạnh cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký. Cụ thể, trong tháng 1 có đến 13.536 DN đăng ký mới, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số vốn đăng ký thành lập đạt 151.451 tỉ đồng, tăng gần 53% so với cùng kỳ. Đặc biệt, có đến 13/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng mạnh. Chẳng hạn, ngành vận tải kho bãi tăng hơn 44%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng gần 48,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32%; khai khoáng tăng 25,5%; xây dựng tăng hơn 23%...
Những con số cho thấy hoạt động của DN trong tháng 1 có dấu hiệu phục hồi tích cực. Trong đó, dòng vốn FDI, giải ngân, số DN thành lập mới đều tăng trưởng dương so cùng kỳ. Chuyên gia kinh tế-tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét xu hướng tăng trưởng về FDI và số DN thành lập mới khởi động từ tháng 11.2023 và kéo dài đến nay.
"Kinh tế VN đang có những tín hiệu phục hồi tích cực rất rõ nét. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư được cải thiện, độ thẩm thấu của các chính sách đã có hiệu quả. Quan sát cho thấy các DN trong nước quay lại sản xuất kinh doanh nhiều hơn, trước mắt phục vụ tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, số hợp đồng xuất khẩu gia tăng hơn so với quý đầu năm ngoái. Nhìn từ kinh tế nước Mỹ, nếu trong quý cuối năm 2023, các chuyên gia dự báo tăng trưởng chỉ đạt 2%, nhưng kết quả là tăng trưởng 3,3%. Nên có thể nói xuất khẩu tăng trưởng một phần nhờ vào các nền kinh tế lớn phục hồi. Vì vậy, nền kinh tế của chúng ta cũng khởi đầu một năm mới khá lạc quan, kỳ vọng tạo đà tốt cho những tháng tiếp theo", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, có một số tín hiệu tạo hiệu ứng "thuận buồm xuôi gió" cho khởi đầu một năm được dự báo chưa hết khó khăn. Đó là độ thẩm thấu của các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả tốt. Số DN thành lập mới tăng vọt cho thấy nguồn tiền có sự lưu thông, được đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều hơn.
Tương tự, vốn đầu tư tăng không quan trọng bằng số giải ngân vốn FDI và vốn đầu tư công tăng thế nào. Để tạo đà phát triển, trong những tháng tới phải tiếp tục có chính sách nhằm đẩy mạnh đưa dòng tiền vào lưu thông nhiều hơn. Năm 2024 được dự báo kinh tế đỡ áp lực hơn, lạm phát giảm, lãi suất không tăng. Tuy vậy, những rủi ro bên ngoài về địa chính trị, biến đổi khí hậu, rủi ro tài chính… vẫn cần lưu ý. Nền kinh tế VN đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất sau đại dịch và hy vọng áp lực từ các yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới.
"VN đang có chiến lược thu hút đại bàng tới làm tổ trong các lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn… nên các chính sách thu hút đầu tư phải bám sát mục tiêu này, không được lơ là. Phải tận dụng cơ hội mới bằng cách hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy nền kinh tế mới sang tuần hoàn. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ DN cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp… Quan trọng là tầm nhìn dài hạn và sớm có hành động nhằm giảm bớt những nhọc nhằn trước mắt", ông Thành lưu ý.
Bình luận (0)