Ngày 5.4, phản ánh với PV Thanh Niên, chị Lê Thị Huê (33 tuổi, trú tại xóm Hồng Hà, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) cho biết, thông qua một người dân địa phương, vào tháng 12.2017, chồng của chị là anh Mai Xuân Hưng (33 tuổi) được người này giới thiệu có ông Nguyễn Lương Bằng (53 tuổi), quê ở xã Thạch Trung nhưng sinh sống ở Hà Nội, cho thuê xe ô tô tự lái nhưng thực chất là bán với giá rẻ.
Sau khi bàn bạc với vợ, anh Hưng ra Hà Nội gặp ông Bằng và đặt cọc 300 triệu đồng làm hợp đồng thuê chiếc xe ô tô 7 chỗ hiệu Toyota Innova mang biển kiểm soát 30A - 020.14 đưa về nhà đi lại và cho người dân thuê tự lái trong dịp tết Mậu Tuất 2018. Tuy nhiên, sau khi anh Hưng đưa xe về nhà sử dụng được hơn 1 tháng thì Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội đến lập biên bản tịch thu chiếc xe này.
“Nói là hợp đồng thuê xe tự lái nhưng thực ra là ông Bằng bán chiếc xe này cho gia đình tôi với giá rẻ. Đến ngày 6.2, Công an tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ đến nhà thông báo với chồng tôi đưa xe lên trụ sở làm việc. Khi về nhà, chồng tôi nói chiếc xe đã bị công an tịch thu, vì đây là tang vật mà người cho thuê lừa đảo chiếm đoạt của các công ty ngoài Hà Nội. Số tiền hơn 300 triệu đồng để mua xe là do vợ chồng vay ngân hàng mà có, giờ công an tịch thu phương tiện khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần”, chị Huê nói.
Theo chị Huê, không riêng gia đình chị, mà người nhà của ông Nguyễn Văn Bằng ở xã Thạch Trung cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi chi hàng trăm triệu đồng để thuê xe của ông này. Do hầu hết những người này là người thân của ông Bằng nên không ai dám đứng ra tố cáo.
|
Ông Lê Đình Thảo, Trưởng Công an xã Thạch Trung, cho biết, ông Nguyễn Lương Bằng có hộ khẩu thường trú tại xã Thạch Trung nhưng đã chuyển ra Hà Nội sinh sống hơn 20 năm qua. Theo tìm hiểu của Công an xã Thạch Trung, có 7 người dân ở địa phương, trong đó có em trai của ông Bằng, cũng làm hợp đồng thuê xe tự lái với ông này.
“Thời gian gần đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội đã về tịch thu được 5 chiếc ô tô của 5 hộ gia đình, còn 2 hộ khác chưa bị tịch thu. Vụ việc này cấp trên về trực tiếp làm việc với các hộ dân mà không qua chính quyền địa phương”, ông Thảo nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài 7 người dân ở xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh, có nhiều người dân trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cũng sập bẫy khi thuê xe ô tô tự lái của ông Bằng và vừa bị cơ quan chức năng về tịch thu phương tiện.
Anh Trần Đình Minh (32 tuổi, trú tại xóm Minh Tiến, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) bức xúc cho biết, thông qua một người bạn, từ 2016 đến cuối năm 2017, anh ra Hà Nội hợp đồng thuê 4 xe ô tô của ông Bằng với tổng trị giá gần 2 tỉ đồng, thời hạn 1 năm, về cho người dân thuê lại. Đến đầu năm 2017, anh Minh đưa 1 xe ô tô ra trả lại cho ông Bằng khi hết hạn và gia hạn hợp đồng 3 chiếc đã thuê trước đó. Đến trước đầu tháng 2, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an thành phố Hà Nội về thông báo tịch thu 3 chiếc xe này vì nguồn gốc xe không hợp pháp.
"Hiện chúng tôi đang tập trung cùng với khoảng hơn 20 hộ dân trên địa bàn cũng bị mắc lừa như tôi làm đơn để kiện ông Bằng. Mong rằng cơ quan chức năng có phương án nào hỗ trợ cho người dân, chứ nếu tịch thu thì chúng tôi mất trắng", anh Minh lo lắng nói.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh, xác nhận thông tin việc nhiều người dân tại địa phương làm hợp đồng thuê xe tự lái với ông Nguyễn Văn Bằng đang bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội điều tra.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho hay từ trước tết Mậu Tuất 2018, đơn vị này nhận được công văn phối hợp điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Hà Nội truy tìm một số phương tiện là tang vật của vụ án lừa đảo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội. Từ trước đến nay, đơn vị này cũng không nhận được đơn của người dân phản ánh về vụ việc trên.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bình luận (0)