Nhiều người dân trả lại vàng nhặt được trong vụ cướp tiệm vàng ở Huế

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
02/08/2022 13:45 GMT+7

Những người dân cố tình không trả lại số vàng nhặt được trong vụ nổ súng, cướp tiệm vàng tại chợ Đông Ba (trưa 31.7) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội 'chiếm giữ trái phép tài sản'.

Trong vụ án nghi phạm nổ súng, cướp tiệm vàng tại chợ Đông Ba (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) vào trưa 31.7, số vàng do nghi phạm trong vụ cướp tiệm vàng ném ra đường được xác định là vật chứng của vụ án hình sự, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Công an TP.Huế đã có thông báo yêu cầu người dân nhanh chóng trả lại số vàng đã nhặt được để phục vụ quá trình điều tra.

Nghi phạm nổ súng cướp tiệm vàng tại Huế là cán bộ công an

Theo Công an TP.Huế, trong những ngày qua, có nhiều người dân mang số vàng nhặt được trong vụ án giao nộp cho cơ quan công an và trực tiếp trả lại cho bị hại. Phần lớn những người đến trả lại vàng làm nghề xe ôm, xích lô, bán hàng rong… trong khu vực chợ Đông Ba. Tại cơ quan công an, những người này cho rằng, họ hoàn toàn không biết đây là tang vật của vụ cướp.

Trước đó, tối 31.7, sau khi bắt được nghi phạm, Công an TP.Huế đã phát lệnh yêu cầu người dân giao nộp lại vàng đã nhặt, trong trường hợp không trả lại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người nhặt vàng không trả lại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến vụ án trên, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với luật sư (LS) Phan Bá Lượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) để làm rõ các trách nhiệm pháp lý về hành vi cố tình không trả lại vàng đã nhặt được tại hiện trường vụ án.

Theo LS Lượng, người nhặt vàng trong trường hợp này tùy vào mức độ hành vi vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Trường hợp người dân nhặt được vàng trong vụ việc trên, cố tình không giao nộp lại cho cơ quan điều tra được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 176 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Cụ thể, người chiếm giữ trái phép vàng có giá trị từ 10 - 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, tùy theo mức độ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trường hợp giá trị vàng bị chiếm giữ trị giá từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Một người dân đến cơ quan công an trả lại vàng đã nhặt trong vụ cướp

CÔNG AN CUNG CẤP

Trong trường hợp vàng người dân chiếm giữ trái phép không cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 141/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31.12.2021, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

“Tội chiếm giữ trái phép tài sản thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu. Nhiều người dân do không am hiểu quy định pháp luật, chủ quan hoặc vì lợi ích cá nhân coi thường pháp luật… mà thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Vụ cướp tiệm vàng xảy ra ở chợ Đông Ba là một vụ việc điển hình. Do đó, người dân nhặt được vàng cần phải nhanh chóng giao nộp lại cho cơ quan điều tra toàn bộ số vàng mà mình nhặt được để tránh những hệ lụy đáng tiếc”, LS Lượng nói.

Nhiều người dân trả lại vàng nhặt được trong vụ cầm súng AK cướp tiệm vàng ở Huế
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.