Nhiều người ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua: Ngành y tế cảnh báo 'nóng'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/03/2023 11:06 GMT+7

Sau liên tiếp 2 vụ ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn chế biến liên quan món cá chép ủ chua, không sử dụng các thực vật lạ…

Sáng 19.3, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành y tế tỉnh đang phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau ăn cá chép muối ủ chua.

Vụ ngộ độc sau bữa cá chép muối ủ chua: 5 lọ thuốc cực hiếm đắt đỏ ra sao?

Theo ông Mười, sau khi nhận đề nghị hỗ trợ từ ngành y tế tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam. Trong đó có TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới; BS CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU); dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc (khoa Dược).

Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum còn lại (rất quý hiếm) của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại H.Đại Lộc, Quảng Nam) hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.

10 người ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua: Ngành y tế cảnh báo nóng - Ảnh 1.

Các bệnh nhân ngộ độc đang thở máy

BNCC

Trước đó, khoảng 12 giờ 16.3, nhóm 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam).

Các món ăn gồm cá chép làm chua, chim nướng, cơm. Đến 19 giờ cùng ngày (16.3), người đầu tiên trong 5 người ăn có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người khác cũng mắc triệu chứng tương tự. Trong 5 người cùng ăn trưa, 1 người không ăn món cá làm chua thì không bị ngộ độc.

Các bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cấp cứu. Sau khi chẩn đoán và làm các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.

Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm an toàn viện sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.

Xem nhanh 12h ngày 19.3: Tiếp vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines | Đưa thuốc giải quý cứu người ngộ độc

Không sử dụng các thực vật lạ

Trước đó, sáng 7.3, bà Hồ Thị Nhương làm mâm lễ cúng đâm trâu với lý do trong nhà có người bệnh nặng, sau đó ăn tiệc. Có 11 người tham dự, bữa ăn gồm các món: thịt heo kho cá khô, món truyền thống cá chua (làm từ cá chép), canh cải nấu bí đỏ, mít xào và cơm.

Đến 13 giờ cùng ngày, 4 người dự bữa tiệc gồm chị Nguyễn Thị Thông (40 tuổi), anh Hồ Văn Tý (28 tuổi), chị Trương Thị Thương (41 tuổi) và chị Hồ Thị Điệp (27 tuổi, đều ở xã Phước Đức) được đưa đến Trung tâm y tế H.Phước Sơn cấp cứu trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân, khó thở, mắt mờ…

10 người ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua: Ngành y tế cảnh báo nóng - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, kiểm tra tình hình sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc

C.X

Sau đó, các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 13.3, chị Nguyễn Thị Thông tử vong tại bệnh viện.

7 người còn lại liên quan đến bữa tiệc chung của gia đình bà Hồ Thị Nhương lại không có triệu chứng gì sau khi ăn.

Ông Mai Văn Mười cho biết, liên quan đến vụ ngộ độc khiến 1 người tử vong, 3 người nguy kịch này, Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận một mẫu thức ăn là món cá chép làm chua trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 7.3. Trung tâm An toàn thực phẩm khu vực miền Trung – Viện Pasteur Nha Trang đã kiểm nghiệm tác nhân nghi ngờ. Qua đó xác định, mẫu món cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.

Cũng theo ông Mười, cùng với việc truy tìm nguyên nhân, ngành y tế Quảng Nam cũng phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.

Ngoài ra, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ, côn trùng; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương, không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.