Nhiễm Covid-19 hay bị cảm cúm mùa ?
Những ngày vừa qua, nhiều người có biểu hiện cảm, sốt, đau nhức mình và tự khỏi sau vài ngày. Nhiều người trong số này cho biết mình nghi ngờ mắc biến chủng phụ BA.5. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, đây là mùa cảm cúm với các triệu chứng đau mình, có người sốt cao nhưng cũng có người sốt nhẹ, ho, sổ mũi từ 3 - 5 ngày là khỏi.
Nguyên nhân, được bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải, do 2 năm qua, người dân ít giao lưu, còn hiện nay giao lưu nhiều thì lây cúm nhiều. Và dịch cúm mùa sẽ kéo dài khoảng 2 - 3 tháng.
Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19 để bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng khi mắc các biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 |
DUY TÍNH |
Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh nâng cao sức đề kháng. Khi mắc bệnh có triệu chứng thì khám bệnh để bác sĩ kê toa thuốc phù hợp với triệu chứng của bệnh. Đặc biệt, người dân phải mang khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng.
Theo bác sĩ Khanh, triệu chứng của biến chủng phụ BA.5 cũng giống như cảm lạnh, nhưng biểu hiện tùy từng người. Có người nóng, ho, sổ mũi; có người thì rêm mình và tự hết. Với biến chủng phụ BA.5 thì test nhanh và xét nghiệm RT-PCR cũng không thể tìm ra, chỉ có giải trình tự gen thì mới phát hiện được. Tuy nhiên, cũng không cần thiết phải làm các xét nghiệm.
BA.5 gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng khác nhưng vẫn phải tiêm vắc xin
“Cho tới hiện nay chứng minh, biến chủng phụ BA.5 lây nhiều nhưng nhẹ hơn cả biến chủng phụ BA.2. Ngoài ra, số ca mắc do BA.5 được cho gia tăng ở nước ngoài thì đây là những ca không phải mắc Covid-19 nhập viện mà người do mắc các bệnh khác vào viện, sau đó xét nghiệm do Covid-19”, bác sĩ Khanh giải thích.
Đồng quan điểm, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, biến chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron, do đó có một số đặc điểm tương tự như các biến chủng phụ khác của Omicron: có khả năng lây lan cao, nhưng gây nhập viện và tử vong ít hơn nhiều so với biến chủng Delta.
Đã có 2 nghiên cứu về sự gia tăng số ca mắc biến chủng này ở Nam Phi và Bồ Đào Nha. Kết quả cho thấy BA.5 có khả năng lây lan cao nhưng khả năng gây bệnh nặng thấp, không chỉ so với biến chủng Delta. Ở Nam Phi, tỉ lệ tử vong do biến chủng BA.5 còn thấp hơn tỉ lệ tử vong do biến chủng BA.1 mặc dù điều này còn có thể do hiện nay miễn dịch của người dân đã cao hơn so với trước đó.
"Cũng tương tự như các biến chủng phụ Omicron trước, biến chủng phụ BA.5 có khả năng né tránh vắc xin một phần. Nhưng vắc xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn tiến nặng và tử vong đối với BA.5 . Vì vậy người dân cần đi tiêm chủng khi có chỉ định tiêm chủng. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc 2) khi đã qua 4 tháng kể từ lúc tiêm mũi 3", PGS-TS Dũng khuyến cáo.
Theo PGS-TS Dũng, nhiều người có suy nghĩ là nếu đã nhiễm biến chủng Omicron rồi thì sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này là không đúng vì các nghiên cứu cho thấy khi nhiễm biến chủng Omicron BA.1, nếu chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Nếu nhiễm Omicron BA.1 sau khi đã tiêm chủng thì kháng thể sẽ bảo vệ chống lại biến chủng Dela và Omicron BA.1 nhưng kháng thể không bảo vệ với Omicron BA.4 và BA.5. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm các mũi nhắc lại của vắc xin Covid-19 để đối phó với làn sóng dịch này do BA.5. Do đó, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với hoàn cảnh và sinh hoạt và tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm được ngành y tế khuyến cáo.
Biến chủng phụ BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch (nhưng chưa phải là bùng phát dịch) nhưng làn sóng dịch này nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây với khoảng thấp hơn 5% người mắc, các nước khác là từ 5 - 30%.
Nếu không tiêm vắc xin thì nguy cơ bùng phát dịch trở lại
Chiều 4.7, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6.2022.
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi đến Bộ Y tế liên quan đến tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm vắc xin Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và hiện đang xuất hiện các biến chủng mới. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan kiểm soát bệnh tật Mỹ khuyến cáo, tiêm vắc xin nhắc lại mũi 3, mũi 4 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch Covid-19 là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Ngày 4.7: Cả nước 685 ca Covid-19, 6.179 ca khỏi |
Theo bà Hương, biến chủng phụ BA.5 của biến chủng Omicron xuất hiện tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 còn hết sức phức tạp, khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4.2022. Việc tăng số ca mắc chủ yếu do sự xuất hiện biến chủng phụ BA.4 và BA.5. Vì vậy, nếu khả năng suy giảm miễn dịch trong cộng đồng, cùng với việc chủ quan, lơ là trong tiêm vắc xin để phòng, chống dịch bệnh thì sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại.
Bình luận (0)